Thứ Năm, 17 tháng 11, 2011

GPVO - Sáng ngày 14 tháng 11 năm 2011, ba Hội dòng: Mến Thánh Giá, Thừa sai Bác ái và Bác ái Thouret thuộc Giáo phận Vinh, đã tổ chức khai giảng khóa Thần Học liên dòng tại Tu viện Mến Thánh Giá Xã Đoài. Nét mới đáng ghi nhận, đó là lần đầu tiên khóa Thần Học liên dòng nữ được tổ chức tại Giáo phận Vinh. Khóa học 2011-2012 có 80 học viên, trong đó có 37 chị thuộc Hội Dòng Bác Ái, 6 chị thuộc Hội Dòng Thouret và 37 chị thuộc Hội Dòng Mến Thánh Giá Vinh.

Thánh lễ khai giảng khóa Thần Học bắt đầu từ 9 giờ. Đức Cha Phaolô chủ tế thánh lễ, đồng tế với ngài có Cha Phêrô Nguyễn Hiệu Phượng, tuyên úy Hội dòng Thừa sai Bác ái; Cha Phaolô Bùi Đình Cao, đặc trách Liên tu sĩ Giáo phận; Cha Phêrô Nguyễn Vĩnh Tâm, tuyên úy Hội dòng Mến Thánh Giá Vinh. Hiện diện trong thánh lễ có quý chị Tổng phụ trách, quý chị Bề trên các Hội dòng và 80 học viên khóa Thần học liên dòng nữ cùng toàn thể chị em lớp tập sinh năm thứ II của ba Hội dòng hiệp dâng lời cầu nguyện trong thánh lễ khai giảng khóa Thần học năm học 2011-2012.

Trong lời khai lễ, Đức Cha Phaolô đã nói lên mục đích của việc mở khóa Thần học này là “để giúp cho quý chị lớn lên trong tình yêu của Chúa, lớn lên trong kiến thức, lớn lên trong ý thức đời sống tu trì, ngõ hầu mỗi chúng ta can đảm bước đi trên con đường mà Chúa đã kêu gọi, nhất là chúng ta khám phá ra những cách thế độc đáo hơn để sẵn sàng và quảng đại đáp trả lời mời gọi của Chúa”. 

Giảng trong thánh lễ, Đức cha Phaolô đã đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của Chúa Thánh Thần trong việc đào tạo và tự đào tạo. “Như Đức Giêsu trước khi lìa bỏ cuộc sống nơi dương thế để về với Cha, điều Ngài nhắc đi nhắc lại với các môn đệ là: Thầy không bỏ các con mồ côi, nhưng Thầy sẽ sai Thánh Thần đến để đốt lên ngọn lửa lòng mến trong tâm hồn các con và ban sự thông biết của Ngài để các con hiểu rõ hơn những gì Thầy đã truyền dạy. Cũng vậy, với quý chị là những học viên của lớp Thần học niên khóa 2011-2012 này, điều quan trọng trong quá trình học tập và suốt cả tiến trình đào tạo, nhân tố chính để thúc đẩy nỗ lực tìm kiếm chân lý và hiện thực hóa những giá trị chân lý phổ quát trong đời sống thực tiễn, là Chúa Thánh Thần. Không có Chúa Thánh Thần đốt lên ngọn lửa Tin, Cậy, Mến thì những tri thức chúng ta lĩnh hội, dẫu có phong phú bao nhiêu đi chăng nữa cũng chỉ là những tiếng thanh la inh ỏi mà không có sự biến đổi sâu xa trong đời sống nội tâm và giúp lan tỏa hương thơm những hoa trái ân sủng. Thật vậy, những môn đệ nhút nhát trước đó đã can đảm lên đường loan báo Tin Mừng cứu độ nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, đã biến đổi tận căn con người cũ của các ngài: Các ngài không còn bám víu vào con người trần thế nhập thể của Chúa trước biến cố vượt qua, nhưng hiệp thông sâu xa với Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh để có thể rao giảng về Ngài. Các ngài không còn u buồn vì không nhìn thấy Chúa nhưng có niềm vui sâu xa vì Chúa luôn còn hiện diện bên cạnh họ qua Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần nâng đỡ ủi an chúng ta trong những lúc chúng ta tưởng như gục ngã không thể đứng vững trong ơn gọi của mình. Chính Ngài dẫn đưa chúng ta trong những bước chập chững đầu tiên của hành trình theo Thầy Giêsu Chí Ái. Chính Ngài giúp chúng ta can đảm nói lời xin vâng để sẵn sàng ra đi trên mọi nẻo đường loan báo Tin Mừng”.

Hy vọng luôn chan chứa, vì “đàng sau những hiện tượng mập mờ của lịch sử và những chướng ngại vật con người giăng ra, đang chập chờn những dấu hiệu của bàn tay Chúa Thánh Thần từ từ thanh luyện và soi sáng tâm hồn con người và uốn nắn để hướng dẫn những hướng đi của lịch sử”. Bổn phận của mỗi học viên trong khóa Thần học này là biết nhận ra những dấu hiệu đó và bắt tay cộng tác để Chúa Thánh Thần có thể thi thố sức mạnh thần linh của ơn thánh cứu độ nhân loại.

Lời cám ơn của chị đại diện cho 80 học viên lớp Thần học niên khóa 2011-2012 đã thể hiện quyết tâm dấn thân hơn nữa trong công cuộc xây dựng con người và xây dựng Nước Chúa ở chính ngay trên trần thế này, vì “cùng với đà tăng trưởng về nhiều mặt của đời sống xã hội, chúng ta không thể khoanh tay ngồi nhìn và phó mặc cho sự đưa đẩy của con tạo xoay vần, mà phải nỗ lực để góp phần xây dựng thế giới này ngày một nhân bản hơn trước vòng xoáy tục hóa và những đua chen tìm kiếm sự hưởng thụ ích kỷ”.
Đăng Trình
Nguồn giaophanvinh.net

Thứ Hai, 14 tháng 11, 2011

Nguồn Ơn Thác Ðổ

Nguồn Ơn Thác Ðổ
 (Ga 20:19-31)
 
Thày đi mang cả bầu trời,

để thương để nhớ để đời ủ ê,

thời gian một chuỗi lê thê,

xót xa nỗi nhớ, ê chề niềm đau,

cuộc đời biết hướng về đâu,

bao nhiêu mộng ước tan mau tháng ngày,

phập phồng lo sợ từng giây,

đoàn chiên nhỏ bé giữa bầy sói lang,

trong đêm tối vẫn mơ màng,

mong ngày bừng sáng cho tàn đêm đen.



Màu đêm từng đợt trào lên,

Lâng lâng trăm nỗi đớn hèn trong ta,

hồn ta hay bãi tha ma,

đêm khuya giá lạnh xót xa nghìn trùng

trong cơn địa chấn dập dồn,

bên nhau cám cảnh phòng không lạnh lùng,

xa Thày sương khói mông lung,

Bao nhiêu hy vọng nổ tung gầm trời,

Từ nay chỉ có mình tôi,

Lang thang giữa một biển trời hoang mang,

Tình duyên nay đã lỡ làng,

Nghe trong vũ trụ bẽ bàng đắng cay !


Trần gian choáng váng mặt mày,

khi nhìn đêm tối rạng ngời bình minh

đón chào Con Chúa phục sinh,

một hơi Chúa thở, Thánh Linh tuôn tràn.

Thày ban muôn phúc bình an,

trao nguyên sứ mệnh giải oan muôn loài,

Dù đường đời vẫn còn dài,

Thày khuyên “đừng sợ !” chông gai sá gì !

Trong Thần Khí, hãy ra đi !

Thày luôn hiện diện độ trì ngày đêm.

theo Thày từng bước đi lên,

cứu dân thoát khỏi xích xiềng Satan.

Con người thoát cảnh lầm than,

trả xong một chuỗi nợ nần bể dâu.

Niềm tin thắp sáng năm châu,

chiếu lên muôn vẻ nhiệm mầu tình yêu,

mạnh hơn muôn ngọn thủy triều,

quyền năng xoay chuyển trăm chiều khổ đau,

lung linh ánh nến nguyện cầu,

nguồn ơn thác đổ khơi sâu tình hồng,

phá tan cảnh sắc hư không,

muôn chim tung cánh khắp vùng tự do,

từ nay trong Ðức Kitô,

vút cao tiếng gọi thiên thu ân tình.

Ôi quyền lực Chúa Thánh Linh ! …


vân thanh   15.04.2007

Làm Người Kitô Hữu, Tại Sao?

Chúng ta thường than vãn bởi những người trẻ không còn biết chi đến kitô giáo, đến đạo nghĩa, nhưng người ta sẵn sàng mất thời gian để sản xuất ra ngày càng nhiều hơn các tài liệu, phim vidéo, các chương trình truyền thanh hay truyền hình, mà chẳng chịu khó làm cho Hội Thánh thành một nơi tỏ hiện sự tự do, can đảm, niềm vui và hy vọng. Chúng ta phải sống với những lời ta nói. Sự thật định rồi, nhưng những lời nói của chúng ta chỉ có nghĩa khi nó hóa thân vào trong cộng đoàn, mà những cộng đoàn này chỉ cho thấy bằng cách nào chúng, vượt qua chính chúng ta, hướng về Đấng đã đến tìm kiếm và ban cho chúng ta Lời của Người. Thánh Antôn Pađôva, nhà giảng thuyết dòng Phanxicô ở thế kỷ XIII, ái ngại về những gì mà Hội thánh ở thời của ngài bị « lạm phát ngôn từ ». Điều đó cũng ít thay đổi. Chúng ta vẫn tiếp tục tuôn ra hàng tấn tài liệu và những bài giảng dài lê thê, nhưng nếu người ta lại chẳng thể nhận ra trong đời sống của chúng ta như một luồng tự do, thì những tài liệu và bài giảng này sẽ làm biến dạng Tin Mừng mà chúng ta loan báo.

Lý do tồn tại của Kitô giáo là hướng chiều về Thiên Chúa, điều đó được chỉ định như ý nghĩa của đời sống chúng ta. Niềm hy vọng trên sự chắc chắn mà đời người có một lý do tồn tại tối hậu ; nếu nó không có, Kitô giáo và mọi tôn giáo khác với nó là một thứ mất thời giờ. Vì thế, chương đầu tiên được giành cho những gì có nghĩa là hy vọng và theo cách thức mà Kitô giáo tỏ hiện ra nơi cuộc đời của ta. Trong thực tế, toàn bộ cuốn sách này nói về niềm hy vọng của chúng ta. Nhưng niềm tin của ta không bảo chúng ta phải đi trọn con đường gian khổ hướng về Chúa, Người là mục đích cuộc chiến đấu của chúng ta, như hai chàng Frodo và Sam vượt bao gian nan để đến được Mordor[7]. Niềm tin mách bảo chúng ta rằng Thiên Chúa đã đến tìm và đã tìm thấy chúng ta. Thiên Chúa đã hiện diện trong đời của mọi người, ngay cả khi họ chẳng nhận ra. Như vậy, một cách nào đó, mục đích của niềm hy vọng, của số phận tối hậu chúng ta, đã hiện diện rồi. Các nhà giảng thuyết không đưa người ta về với Chúa ; chúng ta gọi tên Chúa, Người vẫn luôn hiện hữu. Là kitô hữu, chúng ta tin rằng sự hiện hữu này của Chúa lấy hình thức của tự do, của niềm vui và của tình yêu ; đó là những hoa trái đầu tiên của Vương quốc và những chương II-III tìm kiếm xem kitô giáo thúc đẩy chúng ta đến những hình thức bất bình thường và bất ngờ của tự do và hạnh phúc. Có thể một cách rất tò mò, tôi không giành chương nào để bàn về tình yêu, bởi vì nó chính là toàn thể sự sống kitô giáo và vì thế, tất cả những gì tôi viết, theo nghĩa nào đó, đã là bản bình giảng cho những gì có nghĩa là yêu mến.

Rõ ràng rằng, hiện nay, để đạt đến tự do và hạnh phúc đích thực đòi hỏi nơi chúng ta một sự chuyển đổi sâu sắc. Tự do không chỉ là chọn lựa giữa nhiều khả năng và hạnh phúc không chỉ là một cảm xúc dễ chịu. Đó là cách thức chia sẻ sự sống của Chúa và điều này khẩn nài chúng ta một cách chết và phục sinh. Thật đáng run sợ ! Chúng ta phải can đảm để cho Chúa, Người luôn ở bên để giải thoát chúng ta và đem lại cho ta niềm vui trọn vẹn ; đó là chủ đề của chương IV. Lòng can đảm là nhân đức cần thiết nhất, khẩn cấp nhất cho chúng ta ngày hôm nay, trong Hội Thánh. Tôi mong rằng người ta cũng sẽ hiểu được rằng tự do và hạnh phúc không chỉ là những thuật ngữ chỉ một tiến trình tâm lý : là con người không thể tự nhận thức mà không có thân xác, ta không thể nói đơn giản rằng chúng ta có thân xác, nhưng chúng ta mang tính xác thịt hữu hình. Tính xác thịt của chúng ta là căn bản cho hầu như toàn bộ lời giảng dạy kitô giáo : không thể hiểu được niềm hy vọng, niềm hạnh phúc và sự tự do của ta nếu không có vài ý niệm giải trình cho sự việc con người mang tính xác thịt. Đó sẽ là chủ đề của chương V. Trong chương VI, chúng ta tự hỏi rằng một người kitô hữu phải hiểu bằng cách đặc biệt nào đó, sự thật nghĩa là gì. Không phải do kitô hữu luôn đúng đắn hơn người và có thể có khả năng chiếm giải nhất về đàng luân lý ; chẳng có chi đảm bảo cho ta về điều đó. Nhưng hơn thế nữa, chúng ta có cách thức khá bất thường để hiểu những gì là thật.

Thánh Âu Tinh nói đến nhân loại như một « cộng đoàn của sự thật » và điều này hoàn toàn tự nhiên dẫn chúng ta đến câu hỏi sau đây là câu hỏi về sự thống nhất toàn thể loài người : hướng về Chúa, đó không chỉ tin rằng Thiên Chúa là cùng đích của cuộc hành trình riêng của tôi xuyên qua sự sống và cái chết ; chúng ta tin rằng chính trong Thiên Chúa mà toàn thể nhân loại sẽ tìm thấy sự thống nhất và ý nghĩa của mình. Bên ngoài tập hợp chung toàn nhân loại, tôi không hoàn toàn, tôi chưa hoàn tất. Các chương VII và VIII xem xét những gì đối với chúng ta tin vào sự thống nhất tối hậu của loài người và bằng cách nào điều này trở nên gần gũi với người kitô hữu. Nhưng sự chia rẽ của người kitô hữu và trong các giáo hội làm suy yếu trầm trọng khả năng làm chứng tá của chúng ta cho sự hiệp nhất toàn thể nhân loại, vì thế, trong chương IX và X, tôi tìm kiếm xem làm sao cứu vãn sự chia rẽ và bất đồng nội bộ. Cuối cùng, chúng ta suy nghĩ đâu là ý nghĩa của sự nghỉ ngơi, ngày Sabát, và như thế, chúng ta cùng hướng đến sự an nghỉ sau cùng mà nhân loại được kêu gọi đến nhận biết với Chúa. Tác phẩm này, do đó, phải đưa chúng ta từ niềm hy vọng đến dấu chỉ có sức thuyết phục nhất của niềm hy vọng của chúng ta mà ngay bây giờ nó đang nghỉ, đang chơi, homo ludens. Chúng ta chỉ cho thấy niềm hy vọng rằng cuộc đời đưa đến đâu đó, thì cũng sẽ đưa ta về Thiên quốc, nhưng chúng ta chiến đấu không ngừng để « đến được ».

Tôi xin cám ơn anh em Blackfriars, ở Oxford, những người qua giảng thuyết và tình bằng hữu đã dạy tôi biết hầu như tất cả những gì người ta có thể tìm thấy trong cuốn sách này. Tôi xin cảm ơn đặc biệt anh Vivian Boland o.p. vì sự giúp đỡ và khích lệ. Tôi cũng xin gởi lời cảm ơn chân thành đến anh Nicolas-Jean Sed o.p. và anh Eric de Clermont-Tonnerre o.p., những người đã coi sóc ấn bản tiếng Pháp này cách rất huynh đệ và chuyên nghiệp. Tôi ý thức được rằng khi tôi xem xét đánh giá đâu là người kitô hữu, thì tôi đã làm điều đó như một thành viên của một truyền thống đặc thù, như một tu sỹ Đa Minh và một người Công Giáo, nhưng tôi hy vọng rằng suy tư của tôi cũng sẽ làm nên ý nghĩa nào đó cho các kitô hữu thuộc các truyền thống khác, mà tôi còn mắc nợ với nó.

(ND) Bản dịch sang tiếng việt từ bản tiếng pháp Pourquoi donc être chrétien ? Éditions du Cerf, Paris, 2005, có đối chiếu lại và chỉnh sửa với bản chính tiếng anh What is the point of being a christian ?

[7] Xem J.R.R. TOLKIEN, Le Seigneur des anneaux (The Lord of the Rings), trd. fse. Fr. Ledoux, Paris, Christian Bourgois, 2003.

Timothy RADCLIFFE, OP.
Hoàng Dũng, OP. chuyển ngữ

Thứ Tư, 2 tháng 11, 2011

DỌC ĐƯỜNG TRUYỀN GIÁO

 Những câu chuyện chúng tôi ghi lại nơi đây là những câu chuyện hoàn toàn có thật, góp nhặt trên bước đường truyền giáo. Vì mục đích của chúng tôi chỉ là muốn bạn đọc có dịp rút ra những bài học nào đó cho mình, qua những câu chuyện xảy ra quanh ta, nên chúng tôi xin được thay đổi tên người, địa danh, thời điểm… hoặc chỉ nói chung chung, vì lý do tế nhị. 

LY CÀ PHÊ CUỐI CÙNG

Đây là câu chuyện có thật, xảy ra ở một xã vùng sâu vùng xa, thuộc tỉnh Đồng Tháp.

 Có một gia đình nọ, người mẹ thì bị bệnh kinh niên, từ lâu không còn khả năng lao động. Người cha thì làm một xài mười, thường xuyên ăn nhậu say sưa chè chén gần như mỗi ngày, không quan tâm gì đến gia đình. Họ có ba đứa con. Đứa con gái lớn chỉ mới tuổi độ 16, 17 gì đó, nhưng vì mẹ bệnh, cha lại có lối sống như vậy, nên cô gái đã sớm phải gồng gánh mọi chuyện trong nhà, làm mướn đủ thứ việc để kiếm tiền, vừa lo thuốc thang cho mẹ, lại lo chuyện ăn học cho hai đứa em, đứa lớn chừng mới lên 10, và đứa út thì nhỏ hơn vài tuổi. Nợ nần chồng chất. Người mẹ khổ tâm, nằm trên giường khóc hoài, còn người cha thì than thân trách phận, cứ bảo tại vì buồn, nên cứ nhậu tới bến, không một lần suy nghĩ về tình cảnh trong gia đình, nỗi khổ của vợ con.

 Vào một Mùa Xuân nọ, chiều 30 tết, trong không khí vui vẻ mùa xuân, cô chị mua về 4 ly cà phê đá, bưng vào một ly cho mẹ, rồi kêu hai em lại, ba chị em cùng uống mừng chiều cuối năm.

 Trong nhà không có bánh mứt, không hoa kiểng, không dọn dẹp, không có gì mới, ngoại trừ bốn ly cà phê đá, là thứ đặc biệt duy nhất coi như để đón giao thừa. Lúc đó không có người cha trong nhà, ông đã đi nhậu ở đâu rồi. Không có ai nhắc gì đến ông, vì ông thường như vậy. Nhưng người mẹ không uống cà phê vì sợ không ngủ được .

 Còn hai đứa em thì mừng lắm. Một đứa nói :
 - “Lâu lắm rồi, mình không được uống cà-phê, hén chị hai !”.

 Và chúng nó uống một hơi gần cạn ly. Sau khi uống, đứa nhỏ nói :
 - “Cà phê này sao khó uống quá, hổng ngon đâu !”.

 Đứa lớn cũng chép chép miệng, gật gật đầu nhìn chị.
 Cô chị uống cạn, cô không nhìn hai em mình, mà nhìn ra ngoài, nói nho nhỏ :
 - “Cà phê thì vậy đó, chứ sao ! tụi em uống vào sẽ thấy khỏe lắm !”.
 Rồi cô bỏ vào trong nhà, lấy khăn lau mặt.

 Ngày hôm sau, mùng một tết, trong gia đình ấy, có ba chiếc quan tài dành cho ba chị em.
 Khám tử thi, người ta được biết những ly cà phê ấy có pha thuốc tím liều lượng rất cao.
 Cô gái trong cơn tuyệt vọng, đã muốn giúp mọi người thoát khỏi cuộc sống bất hạnh mịt mù đen tối không có tương lai !

 Bà mẹ may mắn sống còn, đã kể lại thảm kịch gia đình của mình trong nước mắt ! 

                                                                                                               SỔ TAY TÍM

Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

Niệm khúc nghĩa trang

Mỗi lần viếng nghĩa trang, là một dịp nhắc nhớ cho mỗi chúng ta niệm khúc quí giá về tình người, về chữ hiếu, về cuộc sống đời này, về một niềm hy vọng vào đời sau.


Về tình người
Nơi nghĩa trang, bao người đã sống, nay đang nằm im lìm trong lòng đất. Họ đã trở về tro bụi. Trong số đó, có thể có những người đã sống một cuộc sống ý nghĩa, tốt đẹp trước mặt Chúa và mọi người. Nhưng là con người, phàm ai không tội lỗi, không thiếu sót.
Đứng trước hàng dãy phần mộ của những người đã ra đi, chúng ta khiêm tốn nhận ra mọi người cùng là thân phận người mỏng dòn yếu đuối với nhau, gợi lên trong lòng chúng ta sự đồng cảm và thương xót: Đồng cảm thân phận yếu hèn, thương xót những con người đã ra đi khi còn vương mắc bao tội tình, lầm lỗi. Tội với Thiên Chúa, lầm lỗi với con người.
Và, nơi nghĩa trang này, còn gợi lên trong chúng ta lòng thương xót cả những con người đã ra đi do tội của người khác: tội của cha mẹ giết con mình, tội của những người quyến rủ vào con đường trác táng, nghiện ngập, tội của người trả thù đâm chém nhau, tội của những người ghen tương không có lòng tha thứ, tội của những người dùng quyền lực áp bức bất công, tội của người thanh trừng nhau tranh quyền đoạt lợi, tội của những con người dửng dưng vô cảm mặc ai chết đói chết khát, bệnh hoạn chết dần chết mòn…
Thiết tưởng, từ nghĩa trang, lòng thương xót này không chỉ là một cảm xúc thoáng qua, nhưng sẽ lưu lại trong lòng và biến đổi cuộc sống chúng ta thành những con người sống có tình thương, có trái tim biết yêu và lòng quảng đại, không hơn thua, ganh ghét, nhưng là yêu thương chia sẻ cho nhau những gì là tốt đẹp nhất trong cuộc đời.

Về chữ Hiếu
Một người thân gửi thân xác nơi nghĩa trang, là một giao điểm linh thiêng cho tất cả những người còn sống trong tộc họ, giao điểm nối kết mọi tâm tư tình cảm, giao điểm gặp nhau đầy ý nghĩa huyết thống của mỗi người và cũng là giao điểm hóa giải bao bất ổn của họ tộc. Nếu người thân là Đấng Sinh Thành, là Cha Mẹ, Ông Bà, thì ý nghĩa giao điểm linh thiêng kia càng rõ nét hơn.
Đứng trước mộ phần không chỉ 
-         Với lòng ngưỡng mộ và biết ơn những công đức cao dày của Đấng Sinh Thành,
-         Với lòng sám hối vì những vô ơn bất hiếu khi chư vị còn sống,
-         Với lòng Mến, cùng với lòng Cậy nhờ Đức tin nguyện xin Chúa ban cho chư vị ơn Cứu Rỗi…
-         Mà còn nguyện hứa với chư vị rằng sẽ sống tình gia đình, tình huynh đệ càng lúc càng thắm nồng với nhau hơn.
Vâng, thực hành chữ Hiếu, hay đạo Hiếu không chỉ là những hình thức, những lễ nghi, mà là một biến đổi tận căn do ân sủng khi đi từ chữ Hiếu đến việc giữ luật Điều Răn thứ tư: Thảo Kính Cha Mẹ, điều răn của chính Thiên Chúa ban ra.

Về cuộc sống đời này
Với những tín hữu  Phật Giáo, Ấn Độ Giáo hoặc Bàlamôn, và cả những người theo Khổng Giáo, Lão Giáo… thì tư tưởng “sắc sắc, không không, có đó rồi lại không đó”, “cuộc đời là hư vô”, “mọi sự là hư vô” gần như mang một nỗi bi quan tuyệt vọng. Nó dẫn con người ta đến một ngõ cụt của cuộc đời không lối thoát hiểm. Không ai tránh được chỗ cùng tận là tro bụi, không ai thoát được nỗi phủ phàng là hư vô. Bởi vậy, họ hoài mong một cuộc hóa thân, hóa kiếp, luân hồi. Nỗi hoài mong nầy, họ dựa trên cách ăn nết ở của họ, dựa trên chính công nghiệp của họ. Bởi vậy mới có những lời khuyên răn rất dân gian: “Ở hiền, gặp lành” hay “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”…
Còn sự sống đời này của những người công giáo chúng ta thì sao? Hãy nghe sách Giảng Viên nói về cuộc đời:
“Ông Cô-he-lét nói: “Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân”. ( x. Gv 1, 2-9)
Nhưng từ chỗ phù vân ấy, Ông Cô-he-lét đã nhận ra:
“Tôi nhận ra rằng mọi sự Thiên Chúa làm sẽ tồn tại mãi mãi. Không có gì để thêm, chẳng có gì để bớt. Thiên Chúa đã hành động như thế để phàm nhân biết kính sợ Người”. (Gv 3, 14)
Giáo lý công giáo dạy cho chúng ta biết rằng, mọi sự trên trần gian nầy phải đến chỗ phù vân ấy, hư vô ấy là do hậu quả của tội nguyên tổ. Nhưng, tội nguyên tổ đã được xóa đi nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa, nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô.
Bởi vậy, biết cuộc đời là hư vô, Người công giáo vẫn không dừng lại ở chỗ bi quan tuyệt vọngvì thân phận phải trở về tro bụi của mình, cũng không dám tự sức mình có thể cứu vớt cho mình khỏi tình trạng bi đát ấy, nhưng người công giáo có đức tin vào Chúa Giêsu Kitô, và chỉnhờ vào công nghiệp của Ngài mà họ được cứu sống: thoát cảnh hư vô, và sống cuộc sống vĩnh hằng trong Thiên Chúa.

Về cuộc sống đời sau
Vậy, khi tin vào Chúa Giêsu Kitô, thì dẫu biết “mọi sự là hư vô” nhưng vẫn có giá trị riêng của nó: hư vô ở đời này là khởi điểm ngưỡng vọng một cuộc sống đời sau hằng hữu. Chính cái ý thức hư vô thôi thúc chúng ta buông bỏ cuộc đời tạm bợ, và bằng lòng trao phó cuộc đời này cho Đức Giêsu, để Ngài phục hồi từ hư vô thành hằng hữu.
– Thân xác từ hư vô, nhờ công nghiệp cứu rỗi của Chúa Giêsu, đã được thánh hóa nên Cung Điện Chúa Thánh Thần, nên nhà tạm của Chúa Giêsu Thánh Thể, nên Đền Thờ cho Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trị.
- Của cải vật chất thế gian chắc chắn sẽ trở về hư vô, nhưng đang trở nên phương tiện cho chúng ta cộng tác với công nghiệp của Chúa Giêsu, nhờ biết cách sử dụng của cải thế gian mà mua lấy nước Thiên Đàng.
- Quỹ thời gian của mỗi người sẽ cạn dần đi, sẽ ít đi, nhưng từng phút giây đang trở nên càng có giá trị cứu rỗi cho chính mình, nếu biết dùng mỗi phút giây hiện tại với lòng sám hối, lòng tạ ơn, với lời chúc tụng, và nên của lễ tận hiến  cho vinh danh Chúa.
– Sự chết không dẫn chúng ta về hư vô, nhưng là khởi điểm của một cuộc sống mới, vì chúng ta đã và đang cùng sống, cùng chết với Đấng đã sống, đã chết, và đã sống lại.
Như vậy, cuộc đời trần gian này “Mọi sự là hư vô”. Nhưng Mọi Sự Trong Đức Giêsu Kitô đang trở nên phần rỗi cho chúng ta, đang chuẩn bị cho chúng ta một cuộc sống hằng hữu trong Thiên Chúa.
Thế thì:
Không còn niềm đau nào nơi “thành phố tro bụi”. 
Không còn nỗi buồn nào nơi heo hút nghĩa trang. 
Không còn hoang mang nào khi chiều vàng héo úa
Không còn khăn tang nào quấn trên đầu nhân gian
Chỉ còn một tình thương, một tình thương vĩnh cửu
Chỉ còn một niềm tin, Đấng Hằng Hữu vinh quang
Trong Ngài, ta sống và ta chết từng giây phút
Để trong Ngài, ta cùng sống cuộc sống mới hân hoan.
PM. Cao Huy Hoàng
28-10-2011

Người hành khất trộm tiền cho con gái nuôi đi học

Bốn năm liền, người đàn ông đi ăn xin đã dành dụm tiền để nuôi cô bé ăn học. Trong một lần túng bấn, ông đã đi ăn trộm để lấy tiền trang trải cho cô bé này, thật trớ trêu, người bị hại là mẹ của cô bé.

Vụ án diễn ra đã khá lâu, vị thẩm phán chủ tọa phiên tòa giờ chỉ còn nhớ mỗi tên bị cáo nhưng tình tiết trong vụ án thì ông không quên bởi đó là một câu chuyện cảm động, kết cục có hậu.

Theo lời kể của vị thẩm phán, câu chuyện đầy ân tình diễn ra tại một huyện nghèo ven sông Chu ở tỉnh Thanh Hóa. Bị cáo ấy tên Thung, khoảng 50 tuổi. Năm 2004, khi đang ăn xin trong chợ, ông Thung nhìn thấy một phụ nữ từ tiệm vàng bước ra nên theo dõi. Lúc người phụ nữ mua rau, ông lén lấy trộm của nạn nhân hơn 2 triệu đồng. Định tẩu thoát nhưng ông vướng vào một em bé vấp ngã nên bị phát hiện, bắt giữ. Sau một tuần bị tạm giam, ông được hai người đến bảo lãnh. Thật ngạc nhiên, người bảo lãnh đó lại là nạn nhân và con gái bà.

Cũng từ đó, người bị hại kể ông Thung chính là ân nhân của con gái bà, gia đình bà. Ông chính là người bốn năm ròng lo cho con gái bà ăn học Đại học nên người…

Ông Thung không vợ con, thuê phòng trọ sống một mình. Năm 2000, Hà - con gái của nạn nhân đến trọ học cùng khu với ông. Ba của Hà không muốn cho con học hành lên cao vì quan điểm “con gái học làm gì cho nhiều” nên bắt về lo chuyện chồng con. Dù ham học và muốn thoát cảnh nghèo nhưng Hà đành chấp nhận. Ngày chuẩn bị thu dọn đồ về quê, Hà qua chào cha Thung (ở xóm trọ ai cũng gọi ông Thung là cha Thung) và khóc.

Hà khóc vì muốn được tiếp tục theo học nhưng không thể cãi lời ba và cũng không thể tự lo cho bản thân khi thiếu tiền chu cấp từ phía gia đình. Thương cô gái, ông đã bày ra kế: “Con về xin ba cho đi làm ăn xa vài năm kiếm tiền để về lấy chồng rồi tự đi học”.

Thấy cô gái băn khoăn, cha Thung trấn an: “Cha có tiền, cha lo được cho con mà”. Thế nhưng cô gái đã không dám nhận lời ngay vì cho rằng “chẳng có người dưng nào tốt với mình”.

Khi Hà bỏ học, ông Thung đã gặp ba cô gái. Không lay chuyển được định kiến của ba Hà, người đàn ông đi ăn xin quyết âm thầm hỗ trợ cho cô gái này.

Một ngày nọ, Hà đến trường, ông dúi vào tay cô bé một bọc tiền được gói ghém cẩn thận trong mảnh vải. Toàn tiền lẻ nhưng đồng nào cũng được vuốt thẳng. Ông nói đó là những đồng tiền từ tình thương người khác dành cho ông và ông muốn đem nó vào những việc làm có ích.

Kể câu chuyện, vị thẩm phán bảo, trong khi mẹ của Hà biết rõ sự tình, không dám nói ra thì ba của cô gái cứ tưởng con gái đi làm ăn xa để kiếm tiền lấy chồng. Và lần gặp trớ trêu trên đã khiến cha Thung chuẩn bị đứng trước bản án tù.
Trong thư gửi vị thẩm phán, Hà thống thiết mong tòa đừng xử tội cha Thung. Cô gái viết: “Ngày cha Thung trộm tiền của mẹ là ngày con chuẩn bị về thăm nhà. Cha nói sẽ gửi tiền cho con lấy vé xe. Con nói không cần nhưng cha lo con thiếu tiền và rồi cha phạm tội”. Trong thư Hà còn kể những ân tình cha Thung dành cho mình.

Dù tình cảnh đáng thương nhưng vị thẩm phán bảo với hành vi vi phạm trên không thể không truy tố trách nhiệm hình sự với Thung. Trước vành móng ngựa, bị cáo không hề nói vì muốn có tiền cho con ăn học mà một mực: “Vì tôi không dằn lòng nên nảy tham tà”. Sau khi xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ tòa tuyên phạt Thung chín tháng tù treo về tội trộm cắp…

Hai ngày sau diễn ra vụ án, phòng làm việc của vị thẩm phán có tiếng gõ cửa. Ông Thung và Hà bước vào. Trong buổi trò chuyện hôm đó, ông Thung đã tự trách mình vì một phút nông nổi mà nổi lòng tham và làm trái với những lời mình từng dạy con “nghèo cho sạch…”. Nhưng ông cũng kể cho vị thẩm phán một tin vui, con nuôi của ông đã xin được về dạy tại trường miền núi, dù xa nhà, khó khăn, lương thấp nhưng sống bằng con chữ và ổn định.
Câu cuối cùng trước khi rời phòng vị thẩm phán ông Thung tâm sự: “Tôi sống dựa vào tình thương của người khác nên tôi đáp lại tình thương đó cho người cần nó”. Và câu nói của người đàn ông này, đến nay vị thẩm phán vẫn coi như một lẽ sống. Ở đời, sống là cho, đâu chỉ nhận cho riêng mình…

Theo lời kể, khi biết chuyện, ba của Hà đến cảm ơn cha Thung. Thế nhưng ông mừng không phải vì một lời cảm ơn của người cha này mà mừng vì hóa giải định kiến của một người cổ hủ.

Theo Pháp Luật TP HCM

Thứ Năm, 27 tháng 10, 2011

HÃY CHO NHAU NỤ CƯỜI

Có lần mẹ Têrêsa thành Calcutta kể lại câu chuyện như sau:
Nhiều người đến thăm tôi tại Calcutta và trước khi ra về thường ngỏ ý với tôi: "Xin cho chúng tôi một lời khuyên để chúng tôi sống tốt đẹp hơn".
Tôi liền bảo họ: "Quí vị hãy về và hãy ban tặng cho nhau những nụ cười. Một nụ cười cho vợ của ông. Một nụ cười cho chồng của bà. Một nụ cười cho con cái của ông bà. Hãy cười tươi với tất cả mọi người, bất luận người đó là ai. Với những nụ cười tươi như thế quí vị sẽ lớn lên trong tình yêu hỗ tương.”
Nghe vậy một người trong nhóm hỏi tôi:
- Bà có lập gia đình không?
Tôi gật đầu và nói:
- Ðôi khi tôi cũng cảm thấy khó nở một nụ cười với vị hôn phu của tôi.
Và mẹ Têrêsa kết luận:
- Ðúng thế, Chúa Giêsu có thể đòi hỏi rất nhiều. Và chính khi Ngài đòi hỏi như thế thì không gì đẹp cho bằng nở một nụ cười thật tươi với Ngài.
***
Bạn thân mến! Các sách Phúc Âm không ghi lại một nụ cười nào của Chúa Giêsu mà chỉ đôi ba lần nhắc đến những thổn thức và tiếng khóc nức nở của Ngài. Vậy mà cả cuộc đời, những lời rao giảng, những việc làm và nhất là cái chết của Ngài được gọi là Tin Mừng !!!
Chúa Giêsu mang đến cho con người một Tin Mừng, bởi vì qua cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của mình, Ngài đã mang đến cho mọi người con đường hy vọng. Ðau khổ và sự chết đã bị khắc phục, bởi vì hy vọng, niềm vui, sự sống đã bừng dậy từ đau khổ và sự chết của Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu chính là nụ cười của Thiên Chúa gửi tặng chúng ta. Trong Ngài con người tìm được ý nghĩa của cuộc sống, ngay cả khi gặp thất bại, khổ đau. Trong Ngài con người tìm được niềm vui, ngay cả khi thua thiệt mất mát. Trong Ngài, con người tiếp tục hy vọng, ngay cả giữa những giờ phút tăm tối nhất của cuộc đời.
Nụ cười lôi cuốn nụ cười. Chúa Giêsu đang chờ đợi nơi con người một nụ cười đáp từ:
- Cười vui với Ngài là biết đón nhận từng phút giây trong cuộc sống và mọi biến cố với tất cả tin yêu, hy vọng và phó thác.
- Cười vui với Ngài là luôn sẵn sàng nhận ra Ngài với khuôn mặt của mỗi người anh em.
- Cười vui với Ngài cũng có nghĩa là biết trao ban một ánh mắt cảm thông, một nụ cười thân thiện, một lời nói ủi an tha thứ với tất cả mọi người.
R. Veritas
***
Lạy Chúa! Nụ cười không mất tiền mua, không phải vất vả cực nhọc để đi xa mang về … Nụ cười thật dễ dàng để xuất hiện trên môi miệng và trên khuôn mặt nhưng sao con lại thấy thật khó khăn vất vả để trao tặng nụ cười trên khuôn mặt của con cho những người xung quanh …Con đã thay thế nụ cười bằng những cái nhăn mặt méo mó, bằng những ánh mắt giận dữ, bằng những cái lắc đầu xua tay và đôi khi bằng những lời nói làm đau lòng người khác. Xin cho con luôn ý thức rằng : mỗi khi con mang nụ cười đến cho những người xung quanh chính là lúc con dâng lên Thiên Chúa tình yêu và nụ cười, sức sống và hy vọng của đời con . Amen Đoạn ba - cầu nguyện.