Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

Niệm khúc nghĩa trang

Mỗi lần viếng nghĩa trang, là một dịp nhắc nhớ cho mỗi chúng ta niệm khúc quí giá về tình người, về chữ hiếu, về cuộc sống đời này, về một niềm hy vọng vào đời sau.


Về tình người
Nơi nghĩa trang, bao người đã sống, nay đang nằm im lìm trong lòng đất. Họ đã trở về tro bụi. Trong số đó, có thể có những người đã sống một cuộc sống ý nghĩa, tốt đẹp trước mặt Chúa và mọi người. Nhưng là con người, phàm ai không tội lỗi, không thiếu sót.
Đứng trước hàng dãy phần mộ của những người đã ra đi, chúng ta khiêm tốn nhận ra mọi người cùng là thân phận người mỏng dòn yếu đuối với nhau, gợi lên trong lòng chúng ta sự đồng cảm và thương xót: Đồng cảm thân phận yếu hèn, thương xót những con người đã ra đi khi còn vương mắc bao tội tình, lầm lỗi. Tội với Thiên Chúa, lầm lỗi với con người.
Và, nơi nghĩa trang này, còn gợi lên trong chúng ta lòng thương xót cả những con người đã ra đi do tội của người khác: tội của cha mẹ giết con mình, tội của những người quyến rủ vào con đường trác táng, nghiện ngập, tội của người trả thù đâm chém nhau, tội của những người ghen tương không có lòng tha thứ, tội của những người dùng quyền lực áp bức bất công, tội của người thanh trừng nhau tranh quyền đoạt lợi, tội của những con người dửng dưng vô cảm mặc ai chết đói chết khát, bệnh hoạn chết dần chết mòn…
Thiết tưởng, từ nghĩa trang, lòng thương xót này không chỉ là một cảm xúc thoáng qua, nhưng sẽ lưu lại trong lòng và biến đổi cuộc sống chúng ta thành những con người sống có tình thương, có trái tim biết yêu và lòng quảng đại, không hơn thua, ganh ghét, nhưng là yêu thương chia sẻ cho nhau những gì là tốt đẹp nhất trong cuộc đời.

Về chữ Hiếu
Một người thân gửi thân xác nơi nghĩa trang, là một giao điểm linh thiêng cho tất cả những người còn sống trong tộc họ, giao điểm nối kết mọi tâm tư tình cảm, giao điểm gặp nhau đầy ý nghĩa huyết thống của mỗi người và cũng là giao điểm hóa giải bao bất ổn của họ tộc. Nếu người thân là Đấng Sinh Thành, là Cha Mẹ, Ông Bà, thì ý nghĩa giao điểm linh thiêng kia càng rõ nét hơn.
Đứng trước mộ phần không chỉ 
-         Với lòng ngưỡng mộ và biết ơn những công đức cao dày của Đấng Sinh Thành,
-         Với lòng sám hối vì những vô ơn bất hiếu khi chư vị còn sống,
-         Với lòng Mến, cùng với lòng Cậy nhờ Đức tin nguyện xin Chúa ban cho chư vị ơn Cứu Rỗi…
-         Mà còn nguyện hứa với chư vị rằng sẽ sống tình gia đình, tình huynh đệ càng lúc càng thắm nồng với nhau hơn.
Vâng, thực hành chữ Hiếu, hay đạo Hiếu không chỉ là những hình thức, những lễ nghi, mà là một biến đổi tận căn do ân sủng khi đi từ chữ Hiếu đến việc giữ luật Điều Răn thứ tư: Thảo Kính Cha Mẹ, điều răn của chính Thiên Chúa ban ra.

Về cuộc sống đời này
Với những tín hữu  Phật Giáo, Ấn Độ Giáo hoặc Bàlamôn, và cả những người theo Khổng Giáo, Lão Giáo… thì tư tưởng “sắc sắc, không không, có đó rồi lại không đó”, “cuộc đời là hư vô”, “mọi sự là hư vô” gần như mang một nỗi bi quan tuyệt vọng. Nó dẫn con người ta đến một ngõ cụt của cuộc đời không lối thoát hiểm. Không ai tránh được chỗ cùng tận là tro bụi, không ai thoát được nỗi phủ phàng là hư vô. Bởi vậy, họ hoài mong một cuộc hóa thân, hóa kiếp, luân hồi. Nỗi hoài mong nầy, họ dựa trên cách ăn nết ở của họ, dựa trên chính công nghiệp của họ. Bởi vậy mới có những lời khuyên răn rất dân gian: “Ở hiền, gặp lành” hay “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”…
Còn sự sống đời này của những người công giáo chúng ta thì sao? Hãy nghe sách Giảng Viên nói về cuộc đời:
“Ông Cô-he-lét nói: “Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân”. ( x. Gv 1, 2-9)
Nhưng từ chỗ phù vân ấy, Ông Cô-he-lét đã nhận ra:
“Tôi nhận ra rằng mọi sự Thiên Chúa làm sẽ tồn tại mãi mãi. Không có gì để thêm, chẳng có gì để bớt. Thiên Chúa đã hành động như thế để phàm nhân biết kính sợ Người”. (Gv 3, 14)
Giáo lý công giáo dạy cho chúng ta biết rằng, mọi sự trên trần gian nầy phải đến chỗ phù vân ấy, hư vô ấy là do hậu quả của tội nguyên tổ. Nhưng, tội nguyên tổ đã được xóa đi nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa, nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô.
Bởi vậy, biết cuộc đời là hư vô, Người công giáo vẫn không dừng lại ở chỗ bi quan tuyệt vọngvì thân phận phải trở về tro bụi của mình, cũng không dám tự sức mình có thể cứu vớt cho mình khỏi tình trạng bi đát ấy, nhưng người công giáo có đức tin vào Chúa Giêsu Kitô, và chỉnhờ vào công nghiệp của Ngài mà họ được cứu sống: thoát cảnh hư vô, và sống cuộc sống vĩnh hằng trong Thiên Chúa.

Về cuộc sống đời sau
Vậy, khi tin vào Chúa Giêsu Kitô, thì dẫu biết “mọi sự là hư vô” nhưng vẫn có giá trị riêng của nó: hư vô ở đời này là khởi điểm ngưỡng vọng một cuộc sống đời sau hằng hữu. Chính cái ý thức hư vô thôi thúc chúng ta buông bỏ cuộc đời tạm bợ, và bằng lòng trao phó cuộc đời này cho Đức Giêsu, để Ngài phục hồi từ hư vô thành hằng hữu.
– Thân xác từ hư vô, nhờ công nghiệp cứu rỗi của Chúa Giêsu, đã được thánh hóa nên Cung Điện Chúa Thánh Thần, nên nhà tạm của Chúa Giêsu Thánh Thể, nên Đền Thờ cho Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trị.
- Của cải vật chất thế gian chắc chắn sẽ trở về hư vô, nhưng đang trở nên phương tiện cho chúng ta cộng tác với công nghiệp của Chúa Giêsu, nhờ biết cách sử dụng của cải thế gian mà mua lấy nước Thiên Đàng.
- Quỹ thời gian của mỗi người sẽ cạn dần đi, sẽ ít đi, nhưng từng phút giây đang trở nên càng có giá trị cứu rỗi cho chính mình, nếu biết dùng mỗi phút giây hiện tại với lòng sám hối, lòng tạ ơn, với lời chúc tụng, và nên của lễ tận hiến  cho vinh danh Chúa.
– Sự chết không dẫn chúng ta về hư vô, nhưng là khởi điểm của một cuộc sống mới, vì chúng ta đã và đang cùng sống, cùng chết với Đấng đã sống, đã chết, và đã sống lại.
Như vậy, cuộc đời trần gian này “Mọi sự là hư vô”. Nhưng Mọi Sự Trong Đức Giêsu Kitô đang trở nên phần rỗi cho chúng ta, đang chuẩn bị cho chúng ta một cuộc sống hằng hữu trong Thiên Chúa.
Thế thì:
Không còn niềm đau nào nơi “thành phố tro bụi”. 
Không còn nỗi buồn nào nơi heo hút nghĩa trang. 
Không còn hoang mang nào khi chiều vàng héo úa
Không còn khăn tang nào quấn trên đầu nhân gian
Chỉ còn một tình thương, một tình thương vĩnh cửu
Chỉ còn một niềm tin, Đấng Hằng Hữu vinh quang
Trong Ngài, ta sống và ta chết từng giây phút
Để trong Ngài, ta cùng sống cuộc sống mới hân hoan.
PM. Cao Huy Hoàng
28-10-2011

Người hành khất trộm tiền cho con gái nuôi đi học

Bốn năm liền, người đàn ông đi ăn xin đã dành dụm tiền để nuôi cô bé ăn học. Trong một lần túng bấn, ông đã đi ăn trộm để lấy tiền trang trải cho cô bé này, thật trớ trêu, người bị hại là mẹ của cô bé.

Vụ án diễn ra đã khá lâu, vị thẩm phán chủ tọa phiên tòa giờ chỉ còn nhớ mỗi tên bị cáo nhưng tình tiết trong vụ án thì ông không quên bởi đó là một câu chuyện cảm động, kết cục có hậu.

Theo lời kể của vị thẩm phán, câu chuyện đầy ân tình diễn ra tại một huyện nghèo ven sông Chu ở tỉnh Thanh Hóa. Bị cáo ấy tên Thung, khoảng 50 tuổi. Năm 2004, khi đang ăn xin trong chợ, ông Thung nhìn thấy một phụ nữ từ tiệm vàng bước ra nên theo dõi. Lúc người phụ nữ mua rau, ông lén lấy trộm của nạn nhân hơn 2 triệu đồng. Định tẩu thoát nhưng ông vướng vào một em bé vấp ngã nên bị phát hiện, bắt giữ. Sau một tuần bị tạm giam, ông được hai người đến bảo lãnh. Thật ngạc nhiên, người bảo lãnh đó lại là nạn nhân và con gái bà.

Cũng từ đó, người bị hại kể ông Thung chính là ân nhân của con gái bà, gia đình bà. Ông chính là người bốn năm ròng lo cho con gái bà ăn học Đại học nên người…

Ông Thung không vợ con, thuê phòng trọ sống một mình. Năm 2000, Hà - con gái của nạn nhân đến trọ học cùng khu với ông. Ba của Hà không muốn cho con học hành lên cao vì quan điểm “con gái học làm gì cho nhiều” nên bắt về lo chuyện chồng con. Dù ham học và muốn thoát cảnh nghèo nhưng Hà đành chấp nhận. Ngày chuẩn bị thu dọn đồ về quê, Hà qua chào cha Thung (ở xóm trọ ai cũng gọi ông Thung là cha Thung) và khóc.

Hà khóc vì muốn được tiếp tục theo học nhưng không thể cãi lời ba và cũng không thể tự lo cho bản thân khi thiếu tiền chu cấp từ phía gia đình. Thương cô gái, ông đã bày ra kế: “Con về xin ba cho đi làm ăn xa vài năm kiếm tiền để về lấy chồng rồi tự đi học”.

Thấy cô gái băn khoăn, cha Thung trấn an: “Cha có tiền, cha lo được cho con mà”. Thế nhưng cô gái đã không dám nhận lời ngay vì cho rằng “chẳng có người dưng nào tốt với mình”.

Khi Hà bỏ học, ông Thung đã gặp ba cô gái. Không lay chuyển được định kiến của ba Hà, người đàn ông đi ăn xin quyết âm thầm hỗ trợ cho cô gái này.

Một ngày nọ, Hà đến trường, ông dúi vào tay cô bé một bọc tiền được gói ghém cẩn thận trong mảnh vải. Toàn tiền lẻ nhưng đồng nào cũng được vuốt thẳng. Ông nói đó là những đồng tiền từ tình thương người khác dành cho ông và ông muốn đem nó vào những việc làm có ích.

Kể câu chuyện, vị thẩm phán bảo, trong khi mẹ của Hà biết rõ sự tình, không dám nói ra thì ba của cô gái cứ tưởng con gái đi làm ăn xa để kiếm tiền lấy chồng. Và lần gặp trớ trêu trên đã khiến cha Thung chuẩn bị đứng trước bản án tù.
Trong thư gửi vị thẩm phán, Hà thống thiết mong tòa đừng xử tội cha Thung. Cô gái viết: “Ngày cha Thung trộm tiền của mẹ là ngày con chuẩn bị về thăm nhà. Cha nói sẽ gửi tiền cho con lấy vé xe. Con nói không cần nhưng cha lo con thiếu tiền và rồi cha phạm tội”. Trong thư Hà còn kể những ân tình cha Thung dành cho mình.

Dù tình cảnh đáng thương nhưng vị thẩm phán bảo với hành vi vi phạm trên không thể không truy tố trách nhiệm hình sự với Thung. Trước vành móng ngựa, bị cáo không hề nói vì muốn có tiền cho con ăn học mà một mực: “Vì tôi không dằn lòng nên nảy tham tà”. Sau khi xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ tòa tuyên phạt Thung chín tháng tù treo về tội trộm cắp…

Hai ngày sau diễn ra vụ án, phòng làm việc của vị thẩm phán có tiếng gõ cửa. Ông Thung và Hà bước vào. Trong buổi trò chuyện hôm đó, ông Thung đã tự trách mình vì một phút nông nổi mà nổi lòng tham và làm trái với những lời mình từng dạy con “nghèo cho sạch…”. Nhưng ông cũng kể cho vị thẩm phán một tin vui, con nuôi của ông đã xin được về dạy tại trường miền núi, dù xa nhà, khó khăn, lương thấp nhưng sống bằng con chữ và ổn định.
Câu cuối cùng trước khi rời phòng vị thẩm phán ông Thung tâm sự: “Tôi sống dựa vào tình thương của người khác nên tôi đáp lại tình thương đó cho người cần nó”. Và câu nói của người đàn ông này, đến nay vị thẩm phán vẫn coi như một lẽ sống. Ở đời, sống là cho, đâu chỉ nhận cho riêng mình…

Theo lời kể, khi biết chuyện, ba của Hà đến cảm ơn cha Thung. Thế nhưng ông mừng không phải vì một lời cảm ơn của người cha này mà mừng vì hóa giải định kiến của một người cổ hủ.

Theo Pháp Luật TP HCM

Thứ Năm, 27 tháng 10, 2011

HÃY CHO NHAU NỤ CƯỜI

Có lần mẹ Têrêsa thành Calcutta kể lại câu chuyện như sau:
Nhiều người đến thăm tôi tại Calcutta và trước khi ra về thường ngỏ ý với tôi: "Xin cho chúng tôi một lời khuyên để chúng tôi sống tốt đẹp hơn".
Tôi liền bảo họ: "Quí vị hãy về và hãy ban tặng cho nhau những nụ cười. Một nụ cười cho vợ của ông. Một nụ cười cho chồng của bà. Một nụ cười cho con cái của ông bà. Hãy cười tươi với tất cả mọi người, bất luận người đó là ai. Với những nụ cười tươi như thế quí vị sẽ lớn lên trong tình yêu hỗ tương.”
Nghe vậy một người trong nhóm hỏi tôi:
- Bà có lập gia đình không?
Tôi gật đầu và nói:
- Ðôi khi tôi cũng cảm thấy khó nở một nụ cười với vị hôn phu của tôi.
Và mẹ Têrêsa kết luận:
- Ðúng thế, Chúa Giêsu có thể đòi hỏi rất nhiều. Và chính khi Ngài đòi hỏi như thế thì không gì đẹp cho bằng nở một nụ cười thật tươi với Ngài.
***
Bạn thân mến! Các sách Phúc Âm không ghi lại một nụ cười nào của Chúa Giêsu mà chỉ đôi ba lần nhắc đến những thổn thức và tiếng khóc nức nở của Ngài. Vậy mà cả cuộc đời, những lời rao giảng, những việc làm và nhất là cái chết của Ngài được gọi là Tin Mừng !!!
Chúa Giêsu mang đến cho con người một Tin Mừng, bởi vì qua cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của mình, Ngài đã mang đến cho mọi người con đường hy vọng. Ðau khổ và sự chết đã bị khắc phục, bởi vì hy vọng, niềm vui, sự sống đã bừng dậy từ đau khổ và sự chết của Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu chính là nụ cười của Thiên Chúa gửi tặng chúng ta. Trong Ngài con người tìm được ý nghĩa của cuộc sống, ngay cả khi gặp thất bại, khổ đau. Trong Ngài con người tìm được niềm vui, ngay cả khi thua thiệt mất mát. Trong Ngài, con người tiếp tục hy vọng, ngay cả giữa những giờ phút tăm tối nhất của cuộc đời.
Nụ cười lôi cuốn nụ cười. Chúa Giêsu đang chờ đợi nơi con người một nụ cười đáp từ:
- Cười vui với Ngài là biết đón nhận từng phút giây trong cuộc sống và mọi biến cố với tất cả tin yêu, hy vọng và phó thác.
- Cười vui với Ngài là luôn sẵn sàng nhận ra Ngài với khuôn mặt của mỗi người anh em.
- Cười vui với Ngài cũng có nghĩa là biết trao ban một ánh mắt cảm thông, một nụ cười thân thiện, một lời nói ủi an tha thứ với tất cả mọi người.
R. Veritas
***
Lạy Chúa! Nụ cười không mất tiền mua, không phải vất vả cực nhọc để đi xa mang về … Nụ cười thật dễ dàng để xuất hiện trên môi miệng và trên khuôn mặt nhưng sao con lại thấy thật khó khăn vất vả để trao tặng nụ cười trên khuôn mặt của con cho những người xung quanh …Con đã thay thế nụ cười bằng những cái nhăn mặt méo mó, bằng những ánh mắt giận dữ, bằng những cái lắc đầu xua tay và đôi khi bằng những lời nói làm đau lòng người khác. Xin cho con luôn ý thức rằng : mỗi khi con mang nụ cười đến cho những người xung quanh chính là lúc con dâng lên Thiên Chúa tình yêu và nụ cười, sức sống và hy vọng của đời con . Amen Đoạn ba - cầu nguyện.

Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2011

Truyền giáo bằng lời cầu nguyện


Bài nói chuyện giờ Kinh Truyền Tin
Nhân chuyến công du mục vụ tại Nguyện đường Giáo Hoàng Pompéi
Tại tiền đường Nguyện đường Giáo Hoàng Pompéi
Chúa nhật XXIX Thường Niên, 19/10/2008

Anh chị em thân mến,
Sau buổi cử hành Thánh Thể thật long trọng và lời kinh thỉnh nguyện truyền thống dâng lên Đức Trinh Nữ Pompéi, lại một lần nữa, cũng như vào mỗi Chúa Nhật, cùng với lời Kinh Truyền Tin, chúng ta đưa mắt nhìn về Mẹ Maria, và chúng ta phó dâng cho Mẹ những ý chỉ cầu nguyện quan trọng của Giáo Hội và của nhân loại. Đặc biệt chúng ta cầu nguyện cho đại hội thường niên của Thượng Hội đồng Giám mục đang diễn ra tại Rôma, với chủ đề: “Lời Chúa trong đời sống và sứ mạng của Giáo Hội”, để cho Thượng hội đồng này có thể gặt hái được nhiều kết quả canh tân cho mỗi cộng đoàn Kitô hữu. Buổi cử hành Ngày Quốc tế Truyền giáo hôm nay cũng đưa ra cho chúng ta một ý chỉ cầu nguyện đặc biệt. Nhân dịp Năm Thánh Phaolô, Ngày quốc tế truyền giáo hôm nay đưa ra cho chúng ta một câu nói nổi tiếng của vị Tông đồ dân ngoại để chúng ta suy niệm: “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1Cr 9,16).
Trong tháng 10 này, tháng của công cuộc truyền giáo, và tháng của kinh Mân Côi, đã có biết bao nhiêu tín hữu và cộng đoàn đã lần hạt cầu nguyện cho các nhà truyền giáo và cho công cuộc loan báo Tin Mừng. Do đó, tôi cảm thấy vui mừng được có mặt trong ngày hôm nay đây, trong ngày lễ này, tại Pompéi, trong nguyện đường quan trọng nhất được dâng kính Đức Trinh Nữ Maria Mân Côi Hồng Phúc. Thật thế, điều này cho phép tôi nói lên một cách mạnh mẽ rằng sự dấn thân phục vụ cho công việc truyền giáo đầu tiên của mỗi người, đó là kinh nguyện. Trước tiên, chính khi ta cầu nguyện, là ta chuẩn bị con đường cho Tin Mừng; chính khi ta cầu nguyện mà con người mở rộng lòng mình ra đón nhận mầu nhiệm của Thiên Chúa, và con người chuẩn bị tâm hồn đón nhận Lời cứu độ của Chúa.
Trong ngày hôm nay, có một sự trùng hợp đáng mừng khác, đó là  hôm nay, tại Lisieux, Louis Martin và Zélie Guérin, cha mẹ của Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu được tuyên phong Chân Phước, Thánh nữ Têrêxa được Đức Piô XI đặt làm quan thầy các xứ truyền giáo. Những vị tân Chân Phước này đã đồng hành và chia sẻ, qua kinh nguyện và chứng tá Phúc Âm của mình, con đường của cô con gái được Chúa gọi tận hiến cho Người một cách trọn vẹn trong những bức tường Dòng Kín. Chính ở đó, trong sự thinh lặng của Dòng Kín, mà Têrêxa bé nhỏ đã thực hiện được ơn gọi của mình: “Trong lòng Giáo Hội, là mẹ của tôi, tôi sẽ là tình yêu” (Thủ bản Tự truyện, Lisieux 1957, tr.229). Khi nghĩ đến lễ phong Chân Phước cho đôi vợ chồng Martin, tôi muốn nhắc lại một ý chỉ cầu nguyện khác mà tôi rất để tâm, đó là gia đình cùng với vai trò cơ bản là giáo dục con cái hướng đến một tinh thần phổ quát, cởi mở và có trách nhiệm đối với thế giới, cùng với những vấn nạn của nó, cũng như vai trò đào tạo các ơn gọi sống đời thừa sai. Và như thế, khi nhớ lại cuộc hành hương của nhiều gia đình đã đến nguyện đường này, cách đây một tháng, chúng ta hãy cầu xin Đức Trinh Nữ Pompéi bảo trợ với tình mẹ hiền cho tất cả mọi gia đình trên toàn thế giới, và chúng ta nghĩ đến cuộc gặp gỡ quốc tế lần VI của các gia đình, sẽ được diễn ra tại Mexicô, vào tháng 1/2009.

Trong Ngày Quốc tế Truyền giáo, chúng ta đặc biệt kết hợp với các khách hành hương quy tụ tại Lisieux để mừng Lễ phong Chân Phước cho Ông Louis và Bà Zélie Martin, là cha mẹ của Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, Quan thầy các xứ truyền giáo. Bằng đời sống đôi bạn gương mẫu, các ngài đã loan báo Tin Mừng của Đức Kitô. Các ngài đã sống đức tin một cách mạnh mẽ, và đã chuyển trao đức tin ấy lại cho gia đình, và cho những người xung quanh. Ước gì lời cầu nguyện chung của các ngài là nguồn suối vui tươi và hy vọng cho mọi bậc phụ huynh và gia đình.

Thứ Năm, 20 tháng 10, 2011

NHÀ TRUYỀN GIÁO LÀ TẤM BÁNH BẺ RA CHO SỰ SỐNG CỦA THẾ GIỚI

NHÀ TRUYỀN GIÁO LÀ TẤM BÁNH BẺ RA CHO SỰ SỐNG CỦA THẾ GIỚI
(Sứ điệp ĐTC Gioan Phaolô II nhân dịp Khánh nhật Truyền giáo 2005)

Anh chị em thân mến,

Chủ nhật Truyền giáo hôm nay là một ngày đặc biệt đối với rất nhiều anh chị em đang hiện diện nơi đây. Trước hết, gần 700 anh chị em sẽ được lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy để Đức Kitô biến đổi anh chị em thành chi thể sống động của Người, để Người sai anh chị em đi tiếp tục công trình rao giảng Tin Mừng cứu độ cho muôn người. Tiếp đến, cả ngàn anh chị em nhớ lại vào dịp này năm trước mình đã từng nhận lãnh sứ mạng cao cả của Đức Giêsu Kitô để làm sống lại tinh thần truyền giáo. Hiện diện ở đây còn có cha mẹ đỡ đầu, nhất là các tác viên Tin Mừng mà những người tân tòng đây là kết quả cụ thể của việc truyền giáo mà anh chị em thực hiện cho Đức Kitô. Mọi người chúng tôi cùng hiệp ý với anh chị em để cảm tạ hồng ân Thiên Chúa, nhất là trong thánh lễ chúng ta sắp cử hành.

Trong ít phút này chúng ta được mời gọi suy niệm về mối liên hệ giữa bí tích Thánh Thể và công cuộc truyền giáo để thấy rằng nhà truyền giáo chính là tấm bánh bẻ ra cho sự sống của thế giới. Đây là chủ đề trong sứ điệp của ĐTC Gioan Phaolô II gửi toàn thể Giáo Hội nhân dịp Khánh nhật Truyền giáo 2005. Dù ngài đã qua đời ngày 2-4-2005, nhưng sứ điệp này đã được ngài soạn thảo và công bố ngày 22-2-2005 để chuẩn bị cho ngày chủ nhật hôm nay cũng như được ĐTC Bênêdictô XVI giữ lại và phổ biến để tất cả chúng ta cùng học hỏi.

Chúng ta sẽ khai triển chủ đề này theo 4 điểm sau đây:

1. Sứ mạng của nhà truyền giáo.

2. Nhân loại đang cần đến “tấm bánh Kitô”.

3. Kết hợp với Đức Kitô để trở thành tấm bánh bẻ ra cho sự sống của thế giới.

4. Làm thế nào để trở thành tấm bánh Kitô.

Vì thời gian có hạn, và đứng trước mầu nhiệm vô cùng phong phú của Đức Kitô Thánh Thể, hôm nay chúng ta chỉ có thể giới thiệu đôi nét sơ lược về những điểm suy tư trên đây. Nếu anh chị em mỗi ngày đều phải ăn phải uống thì có lẽ chúng ta cũng phải làm như thế đối với của ăn của uống thiêng liêng, rồi nhờ sức bổ dưỡng này chúng ta mới có thể ra đi trên khắp nẻo đường truyền giáo và mới có sức để “nói” Lời Chúa cho mọi người chúng ta gặp gỡ.

1. SỨ MẠNG CỦA NHÀ TRUYỀN GIÁO

1.1. Mỗi Kitô hữu đều có thể là nhà truyền giáo

Nói đến nhà truyền giáo là chúng ta có thể nghĩ ngay đến các vị thừa sai như thánh Phanxicô Xaviê, các cha các thầy dòng Tên, dòng Đaminh, dòng Phanxicô, các cha hội Thừa sai Paris… đã đến rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc ở Việt Nam, ở châu Á và nhiều nước trên thế giới. Hoặc chúng ta có thể nghĩ đến những linh mục, những tu sĩ nam nữ học rộng biết nhiều để dạy những tín điều, để giải thích Kinh Thánh và những giáo lý của Hội Thánh cho chúng ta. Họ là những người được Chúa kêu gọi đặc biệt, ban những ơn lạ lùng. Như thế, việc truyền giáo chỉ dành riêng cho một ít người chuyên môn chứ không phải là sứ mạng chung của Giáo Hội, của mọi người tín hữu. Chúng ta chưa nghĩ được rằng tất cả những ai ý thức mình được sai đi để rao giảng Tin Mừng và vun trồng Giáo Hội nơi những người chưa biết Đức Kitô đều là nhà truyền giáo (x. Giáo luật, điều 786).

Thật ra, tất cả các Kitô hữu qua bí tích Rửa tội đều trở thành một với Đức Kitô, đều trở nên chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Người là Giáo Hội, mà bản chất của Giáo Hội là truyền giáo (x. sắc lệnh Công đồng Vatican II Ad Gentes, số 4,16) nên bản chất Kitô hữu cũng là truyền giáo. Vì thế, tất cả anh chị em đang hiện diện nơi đây đều đã lãnh nhận sứ mạng truyền giáo từ chính Đức Kitô vì Người đã nói với chúng ta “như Chúa Cha đã sai thầy, thầy cũng sai anh em” (x. Ga 20,21), “anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (x. Mc 16,15). Mỗi lần tham dự thánh lễ và cử hành Thánh Thể là chúng ta được nhắc nhở về sứ mạng cao cả này và “ra đi” (missa est) thi hành sứ mạng đó.

1.2. Sứ mạng truyền giáo là chia sẻ Đức Kitô cho người khác

Nguồn gốc sứ mạng truyền giáo của chúng ta là sứ mạng của Chúa Kitô vì chính Người là Ngôi Lời hằng hữu đã được Chúa Cha sai đến (x. Lc 4,18) trần gian để mạc khải tình thương cứu độ của Chúa Cha, và tất cả những ai tin Người sẽ được sống đời đời (x. Ga 3,16). Tin Mừng cứu độ ấy được Chúa Giêsu Kitô loan báo bằng toàn thể con người mình, cả lời nói cũng như hành động, như chúng ta đọc thấy trong Tân Ước nhất là qua bốn sách Phúc Âm. Đến lượt chúng ta, Đức Giêsu Kitô cũng sai chúng ta ra đi và loan báo Tin Mừng bằng cả cuộc sống của mình như chính Người đã nêu gương cho chúng ta cũng như ban muôn ân sủng của Chúa Thánh Thần để giúp chúng ta hoàn thành sứ mạng đó.

Vì thế, xét về bản thân, nhà truyền giáo cần có 4 đặc điểm sau: xác tín về sứ mạng cứu độ của Chúa Cha, hoà nhập thành một với Đức Giêsu Kitô, gắn bó mật thiết với Chúa Thánh Thần và hiệp thông sâu xa với Giáo Hội. Khi có đủ 4 yếu tố này, bản thân nhà truyền giáo trở thành hình ảnh sống động của Chúa Ba Ngôi và đời sống của họ trở thành một bản sao của Tin Mừng, trở thành nội dung của việc truyền giáo. Họ trở thành Tin Mừng sống động được truyền đạt cho người khác và là hiện thân của Chúa Giêsu Kitô ở trần gian. Như thánh Phaolô đã nói “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (x. Gl 2,20). Như thế việc truyền giáo thời nay không phải là tìm đến một dân tộc xa lạ, đến với những con người khác mình về tôn giáo, văn hoá… cũng không phải là dạy giáo lý, giải thích những tín điều mà là đến với tất cả những người ở gần cũng như ở xa chúng ta để chia sẻ Đức Kitô mà chúng ta đã tiếp nhận được như bẻ ra một tấm bánh chia cho người khác trong bữa ăn hằng ngày. Đó chính là ý nghĩa mà Đức Thánh cha muốn gửi đến chúng ta khi cho chúng ta biết nhà truyền giáo là ai và sứ mạng truyền giáo là gì.

2. NHÂN LOẠI ĐANG CẦN ĐẾN “TẤM BÁNH KITÔ”

Tuy nhiên chúng ta tự hỏi nhân loại ngày nay có thật sự cần đến tấm bánh Kitô không? Có thật sự cần đến những nhà truyền giáo mang bánh Kitô cho họ không?

2.1. Con người thời nay dường như không cần đến tấm bánh Kitô

Nếu nhìn một cách hời hợt bên ngoài, hay hỏi trực tiếp những con người cụ thể, dường như con người ngày nay không cần đến tấm bánh Kitô. Với hơn 6 tỷ người đang sống trên trái đất, trong đó hơn 2 tỷ người sống dưới mức nghèo khổ và hàng trăm triệu người chết đói hàng năm thì người ta chỉ đi tìm lúa, gạo, ngô, khoai là tấm bánh vật chất để nhét cho đầy bụng chứ không cần đến tấm bánh Kitô. Với hơn 2 tỷ người theo Kitô giáo, trong đó khoảng 1,1 tỷ là người Công giáo thì 4 tỷ người còn lại  chẳng biết Đức Kitô là ai và cũng không biết Người có thể mang lại gì cho cuộc sống của họ. Việc truyền giáo quả thật vẫn còn rất cần thiết để chúng ta có thể giới thiệu Đức Kitô và tấm bánh của Người cho thế giới.

Hơn nữa, trong một thế giới bị ảnh hưởng bởi toàn cầu hoá, với những phương tiện truyền thông xã hội như sách báo, phim ảnh, truyền thanh, truyền hình, con người nhiều lúc như bị thôi thúc phải làm giàu thật nhanh để chiếm hữu thật nhiều, khiến cho người giàu ngày càng giàu thêm và người nghèo ngày càng thêm đói khổ. Tấm bánh tài nguyên chung của nhân loại không còn được bẻ ra để chia đều cho tất cả cùng no đủ. Từ đó, bao cuộc chiến tranh xung đột đã xảy ra trong suốt dòng lịch sử nhân loại để mỗi bên giành cho được phần bánh của mình. Ấy là chúng ta chưa nói đến những thảm hoạ thiên nhiên như động đất, sóng thần, bão tố, lụt lội… càng làm cho tấm bánh vật chất bị hao hụt, vỡ nát không thể mang lại sự sống trọn vẹn cho toàn thế giới. Do đó Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II như nhắc nhở chúng ta rằng: “Trong thời đại hiện nay, xã hội con người dường như bị che phủ bởi những bóng đen khi bị rúng động trước những biến cố bi đát và tan nát bởi những thảm hoạ thiên nhiên” (x. Sứ điệp, số 2).

2.2. Đức Kitô vẫn luôn là tấm bánh cần thiết nuôi sống nhân loại

Tuy nhiên, Đức Kitô đã chạnh lòng thương xót (x. Mt 9,36) và động lòng trắc ẩn trước sự nghèo đói và khổ đau của con người. Người đã và vẫn còn tiếp tục làm những phép lạ hoá bánh ra nhiều để nuôi dưỡng đám đông đói khổ (x. Mt 4,13-21; Mc 6,30-34; Lc 9,10-17) như muốn chứng minh cho con người hiểu rằng: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”  (Mt 4,4). Người chính là tấm bánh Lời Chúa vì chỉ có Người mới có những lời đem sự sống đời đời (x. Ga 6,68). Người chính là “tấm bánh hằng sống từ trời xuống” (Ga 6,35,51). “Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời” (Ga 6,58).

Hiện diện trong bí tích Thánh Thể, Đấng Cứu Thế chính là tấm bánh bẻ ra cho sự sống của thế giới khi tất cả những ai đón nhận Người biết mở rộng tâm hồn và bàn tay nhân ái để chia sẻ cho những người nghèo đói quanh mình những phẩm vật Thiên Chúa tặng ban. Như thế, “Bí tích Thánh Thể không chỉ là một biểu hiện của sự hiệp thông trong đời sống Giáo Hội mà còn là một dự án của tình liên đới cho toàn thể nhân loại” (Tông thư Mane nobiscum Domine, số 27). Người đói sẽ được no ấm khi người giàu biết chia sẻ cơm áo của mình đúng như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã xác tín: chỉ có Chúa Giêsu mới thoả mãn được cái đói yêu thương và cơn khát công lý của thế giới (x. Sứ điệp, số 2).

Nhìn vào dân tộc Việt Nam, với dân số 82.032.300 người, tính đến ngày 31-12-2004 và người Công giáo trên toàn quốc là 5.776.972 người, chiếm tỷ lệ 7,04% thì chúng ta hiểu rằng còn rất nhiều đồng bào chúng ta chưa biết Đức Kitô là ai. Và nếu chúng ta biết rằng 60% dân số là những người trẻ đang khao khát sống đúng, sống tốt, sống đẹp, sống hào hùng nhưng lại chưa biết Ngôi Lời Thiên Chúa là nguồn chân thiện mỹ. 51% dân số là phụ nữ nhưng nhiều người còn bị bạo hành trong gia đình cần được Đức Kitô bảo vệ. 26% dân số sống dưới mức nghèo khổ, trong khi một thiểu số giàu có ăn chơi phung phí, thác loạn cần được Đức Kitô chỉ bảo. Một đất nước có hơn 20 triệu người uống rượu và nghiện rượu; hơn 5 triệu người khuyết tật với nhiều dạng khác nhau, trong đó 1,2 triệu là trẻ em; 263.000 người nhiễm HIV/AIDS và dịch bệnh ngày càng lan rộng; 160.000 người nghiện ma tuý chưa tìm được cách phục hồi cho khỏi tái nghiện. Tất cả những người này đang cần được Đức Kitô cứu chữa. Quả thật, tấm bánh Đức Kitô rất cần được bẻ ra để chia sẻ cho đồng bào Việt Nam. Nhưng chúng ta lại phải hỏi thêm ai sẽ ra đi, đến với đồng bào để giới thiệu Đức Kitô cho họ? Ai sẽ mang tấm bánh Kitô và bẻ ra để chia sẻ cho họ? Câu trả lời duy nhất, đó chính là nhà truyền giáo, là chúng ta.

3. KẾT HỢP VỚI ĐỨC KITÔ ĐỂ TRỞ THÀNH TẤM BÁNH BẺ RA CHO SỰ SỐNG CỦA THẾ GIỚI

Là nhà truyền giáo, chúng ta đang làm gì cho con người và xã hội hôm nay để rao giảng Tin Mừng và vun trồng Giáo Hội? Có thể nói chúng ta làm rất nhiều việc: tham dự thánh lễ, đọc kinh cầu nguyện, hy sinh hãm mình, làm các việc từ thiện. Nhiều người còn tích cực hơn khi đến những nơi xa xôi giảng dạy giáo lý và làm chứng cho Tin Mừng của Chúa Kitô. Nhưng kết quả như thế nào?

3.1. Kết quả công cuộc truyền giáo

Theo thống kê của Toà Thánh, trong những năm gần đây, mỗi năm có khoảng 2,5 triệu người lớn và hơn 14 triệu trẻ em được rửa tội. Dân số Công giáo tăng từ 757 triệu người, vào năm 1978 lên đến 1.071 triệu người, vào năm 2002 (x. Thống kê Niên giám Toà thánh 2004). Tuy nhiên, nếu tính theo tỷ lệ dân số thì vào năm 1978 người Công giáo chiếm 17,99% dân số thế giới, đến năm 2002 chỉ còn 17,2%. Điều này có nghĩa là kết quả truyền giáo không đáng kể và có phần đi xuống vì đã có một số người bỏ đạo. Giáo hội Công giáo toàn cầu đang có 4.605 giám mục, hơn 400.000 linh mục, 112.000 đại chủng sinh, hơn 800.000 tu sĩ nam nữ với 150.000 thừa sai giáo dân và 2,7 triệu giáo lý viên mà chỉ có 2,5 triệu người lớn trở lại đạo thì thử hỏi ai là người truyền giáo trong số hơn 1 tỷ tín hữu?

Nhìn vào Giáo hội Việt Nam trong suốt 45 năm qua, tỷ lệ người có đạo ngày càng giảm so với dân số cả nước: vào năm 1960, tỷ lệ đó là 7,17%, cuối năm 2004 chỉ còn 7,04%. Năm 2004, chúng ta có 43 giám mục, 3.042 linh mục, 14.413 tu sĩ nam nữ, gần 3.000 chủng sinh và 53.887 giáo lý viên nhưng chỉ có 31.519 người lớn được rửa tội trong cả năm. Chúng ta đừng quên rằng rất nhiều người lớn theo đạo là vì để lập gia đình với người có đạo. Vậy đời sống đạo của chúng ta có thực sự thu hút được người khác tin theo Đức Kitô không? Trong năm 2004, số người lớn được rửa tội trong toàn giáo phận Xuân Lộc là 5.332 người, cao nhất trong 25 giáo phận ở Việt Nam. Trong khi đó nhiều giáo phận chỉ có một vài trăm người lớn trở lại đạo cả năm. Điều này như thôi thúc người tín hữu chúng ta cần phải tìm ra những phương cách mới để truyền giáo hiệu quả hơn.

3.2. Vài lý do giải thích

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã gợi ý cho chúng ta tìm ra những lý do để giải đáp cho việc tại sao kết quả truyền giáo không cao. Lý do đầu tiên là người tín hữu Công giáo chưa ý thức truyền giáo là một sứ mạng hết sức cao cả và vinh dự vì được chia sẻ sứ mạng mà Chúa Cha đã giao phó cho Đức Giêsu Kitô. Tiếp đến họ chưa gắn bó với Chúa Ba Ngôi, nhất là với Đức Giêsu Kitô để trở thành một Tin Mừng sống động như Người, để được Người chuyển thông quyền năng làm chứng cho Tin Mừng qua các dấu lạ như chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ, nói được thứ ngôn ngữ mới lạ của tình thương mà Thánh Thần thúc đẩy trong lòng họ (x. Mc 16,16-20). Không có đời sống tràn đầy tình yêu và dấu lạ để minh chứng cho Tin Mừng cứu độ, nhiều nhà truyền giáo thời nay chỉ còn là người quảng cáo, tiếp thị cho một thứ “tin mừng dỏm” không phải là Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô. Cuối cùng, người ta ít lưu tâm đến người được truyền giáo trong toàn thể điều kiện và môi trường sống của họ để giúp họ vượt qua những khó khăn hiện tại, thăng tiến đời sống, phát triển cộng đồng, hội nhập văn hoá và đối thoại với những tôn giáo khác. Một khi con người vẫn còn nghèo đói về thể chất và tinh thần mà nhà truyền giáo không chia sẻ tấm bánh Kitô đích thực cho họ thì kết quả đương nhiên là họ vẫn lãnh đạm với tôn giáo, lãnh đạm với Đức Kitô.

3.3. Giải pháp để công cuộc truyền giáo có hiệu quả

Đức Thánh Cha đã đề ra giải pháp: nhà truyền giáo cần kết hợp thành một với Đức Kitô qua bí tích Thánh Thể để trở thành tấm bánh đích thực của Người (x. Sứ điệp, số 3). Điều này thuộc về linh đạo truyền giáo hiểu như sự hiệp thông thân mật với Chúa Kitô (x. Sứ điệp, số 4), lấy Người làm trung tâm điểm cho đời sống và quy về Người mọi hoạt động của mình (x. Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Thế, số 8). Nhà truyền giáo sẽ lấy Đức Kitô làm lẽ sống, có những tâm tình, hành động như Đức Kitô. Lúc đó nhà truyền giáo đạt đến mức độ tự huỷ hoàn toàn để trở thành hiện thân của Đức Kitô khiến cho người được truyền giáo cảm nhận ơn cứu độ một cách cụ thể và thiết thực. Nhà truyền giáo có thể chữa lành bệnh tật, không phải như một bác sĩ hay xua trừ ma quỷ không phải như một phù thuỷ dùng bùa phép, nhưng trong tư cách là chứng nhân của Đức Kitô vì “với Đấng ban sức mạnh cho họ, họ có thể làm được mọi sự” (x. Pl 4,13).

Nhà truyền giáo đạt được điểm cơ bản này qua bí tích Thánh Thể vì sau khi đã chuyển thông cho họ sự sống thần linh, quyền năng vô hạn và tình yêu quảng đại của Đức Kitô, “bí tích Thánh Thể dẫn dắt mỗi tín hữu, đặc biệt là các nhà truyền giáo, trở nên tấm bánh bẻ ra cho sự sống của thế giới”, “khi họ noi gương Đức Kitô dâng hiến mạng sống cho anh chị em mình” (x. Sứ điệp, số 1). “Bí tích Thánh Thể dẫn đưa chúng ta trở nên những nhà truyền giáo quảng đại, dấn thân tích cực cho việc kiến tạo một thế giới công bình và huynh đệ hơn” (x. Sứ điệp, số 3). Lúc đó việc dấn thân để lo lắng cho những người nghèo khổ, bệnh tật, bị áp bức, bị bỏ rơi, bị dục vọng  trói buộc và ma quỷ kiềm chế là những hành động rất đỗi bình thường của người Kitô hữu hôm nay.

4. LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRỞ THÀNH TẤM BÁNH KITÔ

4.1. Nhìn lại mối tương quan của mình với Đức Kitô

Nhiều người tín hữu thắc mắc mình đã dâng lễ, dự lễ, rước lễ hàng tuần, thậm chí hàng ngày, nhưng lại không cảm nhận được những hiệu quả tốt đẹp, kỳ diệu của Thánh Thể như lòng hằng mơ ước? Chúng ta thấy mình bình thường như chẳng biến đổi gì! Chúng ta như có vẻ ăn giả tấm bánh Kitô chứ không ăn thật! Có phải vì chúng ta thiếu chuẩn bị cho thánh lễ không? Có phải vì chúng ta tội lỗi nên không được Chúa đón nhận trong bữa tiệc của Người? Hay có phải bí tích Thánh Thể là một mầu nhiệm tuyệt đối không có dấu hiệu gì tỏ ra bên ngoài không? Hoặc có phải vì chúng ta quá thụ động trong việc tham dự thánh lễ không? Hay có phải vì chúng ta hời hợt và bất lịch sự bỏ mặc Chúa Giêsu Thánh Thể đang ngự trong lòng ta để lo lắng, bận rộn cho những công việc thường ngày không? Ngày Thế giới Truyền giáo hôm nay như mời gọi những nhà truyền giáo chúng ta nhìn lại mối liên hệ của mình với Chúa Giêsu Thánh Thể để khám phá cách biến đổi mình thành tấm bánh Kitô.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II mời gọi chúng ta “hãy mở toang con người của mình cho Chúa Giêsu Thánh Thể để vươn đến những chiều kích bao la của mầu nhiệm sâu thẳm này” (x. Tông thư về Thánh Thể Mane nobiscum Domine, số 14). Nghĩ đến bí tích Thánh Thể, chúng ta thường nghĩ ngay đến bánh và rượu, đến Mình và Máu Chúa Kitô trong khi đáng lý ra ta phải tập trung vào Chúa Kitô, vì Người vừa là Thiên Chúa vừa là con người để chúng ta cùng hoà nhập với Người. Đó là sự hiện diện sâu thẳm nhất. Đó là chiều kích bản thể của bí tích này. Ngoài ra, còn nhiều chiều kích khác như xã hội, tu đức, thần bí, vũ trụ… cũng cần được “các nhà truyền giáo rong ruổi trên những nẻo đường chưa được khám phá để mang bánh cứu độ đến cho muôn dân” (x. Sứ điệp, số 2). Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến chiều kích xã hội khi nói rằng Thánh Thể phải thúc đẩy chúng ta quan tâm đến những người nghèo đói, túng quẫn (x. Sứ điệp, số 3, hoặc chiều kích tu đức khi nhấn mạnh đến linh đạo Thánh Thể và mời gọi chúng ta noi gương Đức Maria, người nữ Thánh Thể (x. Sứ điệp, số 4).

4.2. Cùng làm nên tấm bánh với Đức Kitô

Đức Giêsu Kitô luôn nhắc nhở chúng ta phải hợp tác với Người khi mời gọi: “Anh em hãy làm việc này để tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19; 1Cr 11, 23-25). Đến dự tiệc Thánh Thể chúng ta không phải là những thực khách thụ động nhưng phải mang theo chất liệu Thánh Thể tượng trưng qua bánh và rượu là yếu tố vật chất của vũ trụ và lao công của con người như cậu bé góp vào 5 chiếc bánh và 2 con cá cho phép lạ của Đức Giêsu (x. Ga 6,1-15). Chất liệu ấy cần phải được tẩy sạch mọi vết nhơ tội lỗi bằng dòng nước thần linh nhờ máu và nước của Người đổ ra trên thập giá (x. Ga 19,34) và bằng Thánh Thần của Người (x. Ga 1,33). Sau đó, chất liệu Thánh Thể gồm phần của muôn người chúng ta và phần của Chúa Giêsu được dòng nước Thánh Thần liên kết, hoà nhập thành một để nhà đầu bếp vĩ đại Giêsu nướng chín thành tấm bánh hằng sống nhờ ngọn lửa Thánh Thần tình yêu của Người (x. Dt 10,5-10; Lc 12,49).

4.3. Nhà truyền giáo đón nhận và kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể

Đức Giêsu mời gọi chúng ta hãy thường xuyên đón nhận và kết hợp với Người qua bí tích Thánh Thể: “Anh em hãy cầm lấy mà ăn… mà uống” (Mt 26,26-27); “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6, 56). Nhưng làm sao tiêu hoá được Thánh Thể thành mình máu của ta? Làm sao hấp thụ được Chúa Giêsu vào trong ta để ta trở thành Thiên Chúa như Người? Muốn tiêu hoá và phát huy được sức mạnh của Thánh Thể mọi bộ phận trong con người thiêng liêng của ta phải hoạt động tốt. Hơn nữa, chúng ta phải chuyển hoá những chất bổ dưỡng ăn vào thành những hành động cụ thể và tốt đẹp trong đời sống. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II là gương mẫu cho ta khi ngài luôn cầu nguyện trước Thánh Thể, làm việc với Thánh Thể và cảm nhận được sức mạnh của Thánh Thể nơi ngài.

KẾT LUẬN

Hôm nay, suy nghĩ về đề tài nhà truyền giáo là tấm bánh bẻ ra cho sự sống của thế giới, chúng ta hợp cùng Mẹ Maria và các thần thánh trên trời để cảm tạ Chúa Ba Ngôi đã trao sứ mạng truyền giáo cao quý cho ta. Chúng ta quyết tâm tìm mọi phương cách kếp hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể để Người biến đổi ta thành tấm bánh bổ dưỡng cho những anh chị em đang đói khát Người. Như thế, nhà truyền giáo chúng ta mới xứng đáng là người xây dựng nền văn hoá sự sống và bảo tồn nền văn minh tình thương cho gia đình nhân loại.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

KHÔN NGOAN THẬP GIÁ

Chúa Giê-su sau khi đã kể dụ ngôn người quản lý bất lương đã kết luận: “Con cái đời này khi đối xử với đồng loại thì khôn khéo hơn con cái sự sáng” rồi Chúa dạy các môn đệ sống trung tín và lời dặn dò: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được”
   
Cái khôn của người đời là: lọc lừa, gian dối, thủ đoạn… Nó khác xa sự khôn ngoan của con cái sự sáng: Đầu mối khôn ngoan là kính sợ Chúa. Khôn ngoan toả ra từ quyền năng Thiên Chúa ( Kn 7, 25 )
   
KHÔN KHÉO CON CÁI ĐỜI NÀY
   
Khôn khéo trong những việc làm của người quản lý bất lương:
    - Khôn khi ăn cắp tài sản của chủ mà không bị phát hiện, đến khi có người tố cáo thì chủ mới đuổi việc.
    - Khôn vì anh ta biết giới hạn của mình; cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi.
   - Khôn vì biết xoay xở, tận dụng chút quyền quản lý cuối cùng để có 1 chút bảo đảm cho tương lai. Gọi các con nợ của chủ đến làm văn tự lại; 100 thùng dầu ô-liu, viết lại 50 thôi; 1.000 thùng lúa viết lại 800 thôi... hai bên cùng có lợi mà.
    - Khôn khi biết lo xa: liệu sao để khi mất chức thì có người tiếp đón, khi về hưu non thì đã có của dư của để, có nhà cao cửa rộng, có vườn tược...
   
Hình ảnh của người quản lý khôn khéo bất lương này đầy dẫy trong xã hội hôm nay khi mà tham nhũng đã trở nên “quốc nạn”. Ông Fujimori đã làm tổng thống nước Péru đến nhiệm kỳ thứ 2, vì tham nhũng ông đã trốn chạy về Nhật. Ông Estrađa tổng thống Philippines, phải từ chức vì tham nhũng. Ông Wahid, tổng thống Indonesia sang Mỹ tỵ nạn vì tham nhũng. Việt Nam cũng đang điêu đứng vì quốc nạn tham nhũng...
   
Người ta “hy sinh đời bố để củng cố đời con”, có chút địa vị quyền lực thì lo thu ven cho cá nhân, tham ô, móc ngoặc. Sợ bị bại lộ, sợ bị tố cáo, sợ bị cách chức, sợ bị “về hưu non”, nên khôn khéo mua lấy bằng cấp, mua đất xây biệt thự, lập trang trại...
   
Người ta tìm mọi cách để có tiền của, có địa vị, có quyền lực, bất chấp tiếng nói lương tâm.
   
Nhìn vào thực trạng xã hội hôm nay chúng ta thấy người đời thường chạy theo tiền bạc, của cải. Trong cuộc chạy đua đó, con người đã để cho tiền của làm chủ đời sống của họ, hướng dẫn và quy định cả cách sống và tâm tình của họ. Khi đó Thiên Chúa, lương tâm, nhân cách bị gạt ra khỏi tâm hồn họ. Tiền của, danh vọng là thần tượng của họ và khi đó làm bất cứ việc gì dù trái với lương tâm, với luân thường đạo lý, với công bình bác ái miễn là càng ngày họ càng giàu có càng thăng chức. Lòng tham không bao giờ thỏa mãn. Tham vọng của con người không bao giờ cùng.
   
KHÔN NGOAN CON CÁI CHÚA
   
- Khôn ngoan của con cái sự sáng là luôn hướng về Thiên Chúa và để Ngài làm chủ đời mình. Tiền bạc của cải không là điểm tựa, không là cứu cánh mà chỉ là phương tiện. Con cái sự sáng vừa say mê cuộc đời này vừa say mê vĩnh cửu. Giữa cái mau qua họ tìm gặp vĩnh cửu, họ làm việc vui chơi như mọi người, nhưng họ luôn để Thiên Chúa đi vào toàn bộ cuộc đời họ.
    
-  Con cái ánh sáng thì khôn ngoan sống chân thật và tín trung. Chân thật trong lời nói, trong tư tưởng, trong hành động; thực tâm – thật tình trong cư xử; thật hiếu hạnh trong gia đình; thật tín nghĩa ngoài xã hội; thực trung thành trong niềm tin. Trung tín sống đức tin, trung tín trong lời hứa, có tinh thần trách nhiệm cao, trung tín trong việc nhỏ cho đến việc lớn. Trung tín với lời hứa Bí Tích đã lãnh nhận. Người chân thật là người trung tín với Thiên Chúa và anh em mình. Bởi vì Thiên Chúa là sự thật, và “chỉ có sự thật mới giải thoát anh em.”
   
-  Khôn ngoan của con cái Chúa là khôn ngoan Thập Giá: “Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp kiếm sự khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô chịu đóng đinh, điều mà người Do thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” ( 1 Cr 1, 22 – 25 ).
    
Chúa Giê-su đã khẳng định: “Không ai có thể làm tôi hai chủ. Hắn sẽ ghét chủ này mà thương chủ kia, hay để ý đến chủ này mà thương chủ nọ”. Không thể phụng sự hai chủ như nhau, trong cùng một lúc. Chúng ta tự hỏi chủ nào đang thống lĩnh đời tôi ? Ước gì tôi luôn tự do, chọn lựa làm tôi cho Chúa mà thôi.
   
CỬA SỔ HOẶC TẤM GƯƠNG
   
Một người Do-thái giàu có nhưng rất keo kiệt đến gặp một vị giáo trưởng để xin một lời hướng dẫn cho cuộc sống của mình. Vị giáo trưởng đưa anh ta đến bên cửa sổ và hỏi: “Ông hãy nhìn qua cửa sổ và cho tôi biết ông thấy gì.” Không một chút do dự, người giàu có trả lời: “Tôi thấy nhiều người đi qua đi lại.” Sau đó vị giáo trưởng bảo người giàu có quay mặt vào trong nhà và nhìn vào một tấm gương treo trên tường. Rồi ông cũng đặt câu hỏi tương tự: “Nào, bây giờ thì ông thấy gì trong tấm gương ?” Người giàu có liền trả lời: “Dĩ nhiên tôi chỉ thấy tôi.”
   
Bấy giờ vị giáo trưởng mới rút ra một bài học. Ông nói: “Này nhé, tấm gương soi mặt được làm bằng kính. Kính được phủ ở phía sau bằng một lớp bạc mỏng. Bao lâu lớp bạc mỏng còn dính chặt đằng sau tấm kính thì nhìn vào đó ông sẽ không còn thấy người nào khác nữa mà chỉ thấy có mình ông thôi. Trái lại khi nhìn qua tấm kính trong suốt ở cửa sổ ông đã thấy được những người khác, thấy được cảnh vật...”
   
Nếu tấm kính linh hồn bị lòng tham lam, ích kỷ như lớp bạc mỏng phủ đi thì ta sẽ chỉ thấy có bản thân mình. Chỉ mình ta mới đáng kính đáng trọng, chỉ mình ta là trung tâm để mọi người phục vụ.
      
Tâm hồn con người khi trong suốt không bị che chắn bởi tham, sân, si, sẽ nhìn thấy mọi người là anh em, nhìn thấy những điều hay, những điều tốt, những gì đáng quý, đáng mến nơi tha nhân. Tâm hồn trong sáng đó nhờ biết mỗi ngày soi vào Chúa Ki-tô, sống theo lời dạy của Ngài.

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

Thứ Ba, 18 tháng 10, 2011

Tiểu Sử Đức Cha Phêrô Maria Lambert De La Motte – Đấng Sáng Lập Dòng Mến Thánh Giá

Đức Cha Phêrô Lambert de la Motte là một trong ba vị Giám Mục thừa sai người Pháp tiên khởi trong chức vụ Đại Diện Tông Tòa được gửi sang truyền giáo tại miền Đông Nam Á vào thế kỷ XVII. Ngoài việc truyền chức cho các linh mục bản xứ Việt Nam và thiết lập hàng giáo sĩ địa phương, Ngài còn có công sáng lập Dòng Mến Thánh Giá tại Việt Nam. Một tu hội nữ đầu tiên được thành lập tại Việt Nam, dành cho người Việt Nam và để phục vụ cho dân tộc Việt Nam. Sát cánh với các vị thừa sai khác, Ngài đã gieo vào lòng Giáo Hội Công Giáo Việt Nam một nền linh đạo tập trung vào Chúa Kitô chịu–đóng–đinh, để chính nền linh đạo này đã trở nên động lực vững chắc thúc đẩy hàng trăm ngàn tín hữu Việt Nam mạnh dạn tuyên xưng đức tin trong suốt gần 300 năm cấm đạo.

Sau đây là vài nét về cuộc đời của Đức cha Lambert de la Motte.

I. Từ thời niên thiếu đến khi làm Giám Mục (1624 – 1660)

1. Thời niên thiếu

Ngài chào đời năm 1624 tại giáo phận Lisieux, vùng Normandie, phía Tây Bắc nước Pháp. Ngài mang tên thánh Phêrô từ giếng rửa tội. Hình như Thiên Chúa quan phòng muốn dùng điềm báo tốt lành đó để nhấn mạnh việc sau này, khi Tòa Thánh gửi các vị Đại Diện Tông Tòa đến truyền giáo ở Trung Quốc và các vương quốc lân cận. Đức Cha Lambert de la Motte sẽ là viên đá nền móng cho hàng Giáo Phẩm của các Giáo Hội mới mẻ đó. Chính Ngài sẽ làm cho các dân tộc nhìn nhận và tôn kính quyền bính của thánh Phêrô.

 Từ năm 8 tuổi, ngài đã có tính cách chững chạc của một con người trưởng thành chín chắn. Vào quãng 9 tuổi, ngài bị cuốn hút vào ý tưởng về một nhóm người mang tên là Những Người Mến Thánh Giá. Ngài cảm thấy rất hợp với ngài vô cùng và muốn sống cuộc sống của họ.

2. Thời thanh niên

 Đức Cha Lambert theo học trường các cha Dòng Tên tại thành phố Caen; và trong thời gian theo học tại đây, ngài đã chịu tang song thân của ngài. Từ triết học, ngài chuyển sang luật, sau đó trở thành luật sư và làm việc tại tòa án Thuế Vụ Rouen. Ngài dọn chỗ đến ở bên cạnh trường học của các cha Dòng Tên. Cứ 5 giờ sáng mỗi ngày, ngài đều đến nhà thờ các Cha Dòng để nguyện ngắm và đọc kinh nhật tụng theo lòng đạo đức riêng. Sau đó, ngài mới về nhà để đi xét xử cho những người đang chờ ngài ở Tòa An Thuế.

 Ngài đặt mình dưới sự hướng dẫn của cha Hayneuve Dòng Tên. Đó là vị linh hướng đầu tiên Đức Cha Lambert đã chọn để làm thầy hướng dẫn đời sống Kitô hữu và tu đức cho Ngài. Khoảng cuối năm 1654, Thiên Chúa đã soi lối dẫn đường cho ngài đến sống một thời gian bên cạnh ông Jean de Bernière ở Caen, một người sống theo lời khuyên Phúc Am như một đấng thánh. Dưới đôi mắt của vị thầy giỏi giang như vậy, ngài đã tiến những bước thật dài trên con đường chiêm niệm, và ngài luôn tha thiết xin Chúa thi ân biểu lộ ra bậc sống nào Chúa muốn ngài đi theo.

3. Năm năm linh mục (1655 – 1660)

 Tại Caen, để chuẩn bị chịu chức linh mục, ngài bắt đầu một cuộc cấm phòng 30 ngày kể từ ngày 25 tháng 6 năm 1655. Ngày 25 tháng 7, sau cuộc cấm phòng 30 ngày, ngài bắt đầu thực hiện cuộc hành hương khổ nhục tới thành phố Rennes, tin rằng dự định này sẽ làm đẹp lòng Chúa để chuẩn bị tâm hồn đón nhận các chức thánh mà ngài xét thấy mình vô cùng bất xứng. Nhân dịp Đức Giám Mục giáo phận Bayeux tới Caen, ngài xin chịu phép cắt tóc để gia nhập hàng giáo sĩ, và bốn chức nhỏ là: giữ cửa, đọc sách, trừ quỷ, và giúp lễ. Ngày 21 tháng 12, ngài lãnh nhận chức linh mục vào lễ thánh Gioan Thánh Sử, tại nhà thờ chánh tòa Bayeux.

 Sau khi thụ phong linh mục ngày 27.12.1655, cha Phêrô tới phục vụ ở Rouen. Tại đây, ngài cộng tác với em ruột là thầy Nicolas Lambert de la Boissière, lập một chủng viện, trao cho các tu sĩ Dòng Chúa Giêsu và Mẹ Maria của Thánh Jean Eudes điều khiển. Đồng thời, ngài hăng say dạy giáo lý cho trẻ nhỏ, thành lập một cô nhi viện và một trung tâm tiếp đón những thiếu nữ hư hỏng. Ngài gia nhập Hiệp Hội Thánh Thể, và được Hiệp Hội đặt làm Giám Đốc Trung Tâm Xã Hội Rouen để tạo công ăn việc làm cho những người thất nghiệp.

 Nhân dịp đi công tác tại Paris cho Trung Tâm năm 1657, nhờ sự giới thiệu của thầy đại chủng sinh Nicolas, em ruột của ngài, ngài làm quen với nhóm Bạn Hiền. Nhóm này được cha Đắc Lộ trình bày cho biết tình trạng Giáo Hội Đông Á, và điều cha thỉnh cầu với Tòa Thánh là xin gửi vài vị Giám Mục Đại Diện Tông Tòa sang đó điều khiển công cuộc truyền giáo và thiết lập hàng giáo sĩ địa phương.

 Sau khi bàn hỏi với cha linh hướng Hallé về ơn soi sáng mới xuất hiện trong nội tâm, và sau ba ngày cầu nguyện, cha Lambert quyết định xin gia nhập Nhóm Bạn Hiền để vận động cho chương trình Viễn Đông. Ngài tình nguyện tháp tùng các vị Đại Diện Tông Tòa tương lai trong tư cách một nhà thừa sai bình thường. Ngài muốn dâng hiến tất cả phần gia sản còn lại của ngài vào việc truyền giáo này.

 Từ Paris, Cha Lambert tới tĩnh tâm tại Annecy, cầu nguyện lâu giờ bên mộ thánh Francois de Sale và thánh Jeanne Francoise de Chantal. Ngài nhận được ơn soi sáng để nhận thấy: “Linh mục và Nữ tu là hai nguồn mạch tuôn đổ đức tin và đức ái xuống trên một đất nước: Linh mục là hiện thân của lòng nhiệt thành…, còn Nữ tu là biểu tượng cho sự trong trắng và kết hợp đời sống cầu nguyện với việc bác ái phục vụ. Phần gia nghiệp của Linh Mục là chinh phục các linh hồn, còn các Nữ tu là xoa dịu nỗi khổ của tha nhân…”

Cuộc thương lượng tại Roma và hành hương sang Đông Á

 Tại Annecy, Cha Lambert nhận được thư của cha Francois Pallu mời sang Roma tiếp tay thương lượng với Tòa Thánh về chương trình Viễn Đông. Nhờ sự dấn thân của Cha Lambert, chương trình Viễn Đông được chấp thuận nhanh chóng.

 Ngày 29.7.1658, Đức Giáo Hoàng Alexandre VII bổ nhiệm Cha Lambert làm Giám Mục hiệu tòa Beryte; và ngày 9.9.1659, Tòa Thánh lại bổ nhiệm Đức Cha Lambert làm Đại Diện Tông Tòa, phụ trách miền Đàng Trong Việt Nam, Chiêm Thành, Cam Bốt, bốn tỉnh miền Tây và Nam Trung Hoa với đảo Hải Nam.

 Ngày 11.6.1660, Cha Lambert được tấn phong Giám Mục tại nhà nguyện Sainte-Marie của dòng Thăm Viếng tại Paris. Sau khi được tấn phong, ngài lại thu xếp một cuộc tĩnh tâm ngắn ngày để chuẩn bị cho chuyến đi.

 Ngày 27.11.1660, Đức Cha Lambert cùng với đoàn thừa sai lên tàu vượt Địa Trung Hải đi Thái Lan; và đến ngày 22.8.1662, Đức Cha và phái đoàn đến Juthia, thủ đô Thái Lan.

II. Sự nghiệp thừa sai (1662 – 1676)

 Việc đầu tiên của Đức Cha Lambert tại Juthia là tĩnh tâm 40 ngày trọn. Sau đó, ngài khởi công xây dựng cơ sở cần thiết như nhà ở, nguyện đường, trường học để dạy văn hóa cho trẻ em và một nhà thương. Trong thời gian này, ngài đã trải qua một kinh nghiệm thiêng liêng rất là đặc biệt. Chính trong kinh nghiệm thiêng liêng này, một lần nữa ngài lại nhận ra ơn Chúa soi sáng muốn ngài thành lập một hiệp hội những người yêu mến Thánh Giá.

 Ngài đã một mình điều hành công việc truyền giáo cho cả vùng Đông Á; và đã thực hiện được những chương trình sau đây:

Kinh lý các miền Đàng Trong và Đàng Ngoài.
Truyền chức cho các linh mục bản xứ.
Triệu tập công đồng Juthia năm 1664; soạn thảo huấn thị gửi các vị Thừa Sai.
Thành lập Hội Tông Đồ năm 1665 (1669: Tòa Thánh không phê chuẩn vì kỷ luật quá nghiêm khắc).
Thành lập chủng viện Thánh Giuse cho vùng Đông Nam Á năm 1667
Lập Hiệp Hội Mến Thánh Giá tại thế.
Triệu tập công đồng Phố Hiến (14.02.1670).
Thành lập dòng nữ Mến Thánh Giá Đàng Ngoài và Đàng Trong (năm 1670 – 1671).
Triệu tập công đồng Hội An (1672).
Thành lập Dòng Mến Thánh Giá tại Thái Lan (1672).
Tấn phong Giám Mục và bổ nhiệm Đức Cha Laneau làm Giám Mục Tông Tòa thay cho Đức Cha Cololendi (1674).
III. Những năm tháng cuối đời (1676 – 1679)

 Tại chủng viện Thánh Giuse, mặc dù sức khỏe Đức Cha kém dần, ngài vẫn tiếp đón nhiều nhân vật quan trọng đạo đời và tạo nhiều mối quan hệ thân tình sâu sắc với giới tăng lữ Phật Giáo. Điều ngài thích nhất là nguyện ngắm và làm những việc khiêm tốn như săn sóc bệnh nhân, thăm viếng tù nhân và rao giảng Phúc Am cho người nghèo khổ.

 Thiên Chúa ban cho ngài được hưởng niềm vui chu toàn sứ mạng do Tòa Thánh trao phó là tranh đấu cho điều mà cha Đắc Lộ đã đề xuất. Đó là thiết lập chức Đại Diện Tông Tòa để điều khiển công việc truyền giáo tại Đông Á.

 Chứng bệnh sạn thận làm cho Đức Cha Lambert đau đớn nhiều, khiến ngài cảm thấy cần được yên tĩnh để cầu nguyện và kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô Chịu-Đóng-Đinh. Trong cơn bệnh ngài thường tự nhủ: “can đảm lên, giờ gần đến, ta hãy chịu khó vì Chúa”. Và ngài không ngừng dâng lời tạ ơn: “Đến muôn đời con ca ngợi lòng từ bi Chúa”.

Bốn giờ sáng ngày 15.6.1679, Đức Cha Phêrô Lambert de la Motte an nghỉ trong Chúa tại Juthia, Thái Lan.

IV. Chân dung tinh thần

1.Con người cương nghị và nhiệt thành

 Dung mạo Đức Cha Phêrô Lambert de la Motte là một tổng hợp giữa những nét oai nghiêm và mộc mạc, giữa một ý chí cương nghị và một trí tuệ thông minh phi thường. Từ lúc thiếu thời, ngài có tinh thần dè dặt, khiêm tốn nhưng hiếu học, có trí phán đoán quân bình và lập trường vững chắc. Ngài khôn ngoan và cẩn trọng. Khoa luật và nghề trạng sư đã tôi luyện cho ngài có biệt tài lý luận tinh vi và sắc bén.

2. Học thuyết tu đức

Đức Cha Lambert có tâm hồn luôn lắng nghe Thần Khí, hoàn toàn chịu sát tế với Đức Kitô và ký thác mình trọn vẹn trong tay Cha trên trời. Đời sống thiêng liêng của ngài quy hướng vào Ba Ngôi Thiên Chúa.

3. Tâm hồn thờ phượng và yêu mến Thánh Giá

Đức Cha Lambert rất tôn sùng Thánh Thể và thích cầu nguyện lâu giờ trước Nhà Tạm, nhất là khi phải tìm giải pháp cho những vấn đề khó khăn.

Ngài tha thiết yêu mến Thánh Giá Chúa Giêsu và khao khát đồng hóa với Người trong mầu nhiệm Tử Nạn. Ngài muốn tiêp nối cuộc đời đau khổ của Chúa Cứu Thế, và sẵn sàng cho Người mượn thân xác mình để tiếp tục hy sinh.

Đức Cha Lambert cũng yêu mến đặc biệt Mẹ Maria và Thánh Giuse. Ngài quý chuộng kinh Mân Côi và tuần cửu nhật kính Đức Trinh Nữ. Ngài dành cho Đức Mẹ tước hiệu đầy vinh dự “Đấng Sáng Lập các miền truyền giáo của chúng tôi”. Riêng Thánh Giuse được chọn làm quan thầy cho Dòng Mến Thánh Giá, chủng viện, nhà thờ, nhà thương tại Juthia, cho cả Giáo Hội Việt Nam và Giáo Hội Đông Á.

4. Tinh thần khổ chế và nghèo khó.

Đức Cha Lambert sống khắc khổ. Ngài thường xuyên đánh tội, ăn chay, kiêng thịt và rượu, trừ ba lễ lớn: Giáng Sinh, Phục Sinh và Hiện Xuống. Tinh thần khổ chế của Ngài được phản ảnh rõ nét trong các bản quy luật của Hội Tông Đồ, Hiệp Hội Mến Thánh Giá Tại Thế và Dòng Nữ Mến Thánh Giá.

Theo Cha A. Launey, nét nổi bật trong tính tình của Đức Cha Lambert là tự nguyện và ham thích tìm kiếm sự xỉ nhục cho mình.

5.Hồn tông đồ

 Đức Cha Lambert có ý niệm cao về đời sống của người tông đồ. Theo ngài, người tông đồ phải có đời sống trổi vượt phi thường, để tạo uy tín và để gây ảnh hưởng tốt nơi môi trường truyền giáo. Phải có tinh thần khổ chế, nghèo khó, và sẵn sàng hy sinh vì đoàn chiên. Người tông đồ phải kết hợp hy sinh với cầu nguyện. Nhiều lần Đức Cha Lambert đã nhắn nhủ các vị thừa sai của mình: “Trước khi gieo vãi hạt giống Phúc Am, anh em hãy dùng lời cầu nguyện làm cho mưa móc từ trời sa xuống trên cánh đồng”.

 Đức Cha Lambert quan niệm người tông đồ là cánh tay hữu hình và trung gian của Chúa Kitô, để thoa dịu nỗi khổ đau của tha nhân, trao ban cho mọi người những điều thiện hảo và phúc lành của Thiên Chúa, cùng dâng lên Người những khát vọng và đau thương của thế giới.

 Người tông đồ thấm nhuần tinh thần Phúc Am sẽ có thái độ hiền lành, khiêm nhường khi tiếp xúc với tín đồ các tôn giáo bạn.

IV. Kết luận

 Nơi chân dung tinh thần của Đức Cha Phêrô Lambert de la Motte, điều làm cho mọi người chú ý là sự kết hợp hài hòa giữa những cực đoan. Ngài vừa nghiêm khắc, vừa nhân từ, vừa cương nghị, vừa khiêm nhu, vừa mực thước vừa giàu óc sáng tạo thích nghi. Ngài có một tâm hồn chiêm niệm sâu sắc, luôn quy hướng về Chúa Kitô Chịu-Đóng-Đinh, giữa những sinh hoạt tông đồ đa dạng.

 Riêng đối với các Nữ Tu Mến Thánh Giá, Đức Cha Phêrô Lambert de la Motte là vị sáng lập, là người cha thiêng liêng đã khai sinh bên bờ Đông Nam lục địa Châu Á, dòng nữ đầu tiên mang bản sắc Á Châu và trực tiếp hướng về công cuộc truyền giáo cho lương dân. Việc sáng lập Dòng Mến Thánh Giá xuất phát từ một kinh nghiệm thiêng liêng đặc biệt của ngài về Chúa Kitô Chịu-Đóng-Đinh.

 Ngài được Chúa Thánh Thần chọn làm trung gian chuyển đạt ơn đoàn sủng cho Dòng Mến Thánh Giá. Chính ngài đã sống đoàn sủng đó trong đời sống thiêng liêng và tông đồ, đến mức độ trở thành mẫu mực cho con cái mình là các Nữ Tu Mến Thánh Giá.