Thứ Hai, 14 tháng 11, 2011

Làm Người Kitô Hữu, Tại Sao?

Chúng ta thường than vãn bởi những người trẻ không còn biết chi đến kitô giáo, đến đạo nghĩa, nhưng người ta sẵn sàng mất thời gian để sản xuất ra ngày càng nhiều hơn các tài liệu, phim vidéo, các chương trình truyền thanh hay truyền hình, mà chẳng chịu khó làm cho Hội Thánh thành một nơi tỏ hiện sự tự do, can đảm, niềm vui và hy vọng. Chúng ta phải sống với những lời ta nói. Sự thật định rồi, nhưng những lời nói của chúng ta chỉ có nghĩa khi nó hóa thân vào trong cộng đoàn, mà những cộng đoàn này chỉ cho thấy bằng cách nào chúng, vượt qua chính chúng ta, hướng về Đấng đã đến tìm kiếm và ban cho chúng ta Lời của Người. Thánh Antôn Pađôva, nhà giảng thuyết dòng Phanxicô ở thế kỷ XIII, ái ngại về những gì mà Hội thánh ở thời của ngài bị « lạm phát ngôn từ ». Điều đó cũng ít thay đổi. Chúng ta vẫn tiếp tục tuôn ra hàng tấn tài liệu và những bài giảng dài lê thê, nhưng nếu người ta lại chẳng thể nhận ra trong đời sống của chúng ta như một luồng tự do, thì những tài liệu và bài giảng này sẽ làm biến dạng Tin Mừng mà chúng ta loan báo.

Lý do tồn tại của Kitô giáo là hướng chiều về Thiên Chúa, điều đó được chỉ định như ý nghĩa của đời sống chúng ta. Niềm hy vọng trên sự chắc chắn mà đời người có một lý do tồn tại tối hậu ; nếu nó không có, Kitô giáo và mọi tôn giáo khác với nó là một thứ mất thời giờ. Vì thế, chương đầu tiên được giành cho những gì có nghĩa là hy vọng và theo cách thức mà Kitô giáo tỏ hiện ra nơi cuộc đời của ta. Trong thực tế, toàn bộ cuốn sách này nói về niềm hy vọng của chúng ta. Nhưng niềm tin của ta không bảo chúng ta phải đi trọn con đường gian khổ hướng về Chúa, Người là mục đích cuộc chiến đấu của chúng ta, như hai chàng Frodo và Sam vượt bao gian nan để đến được Mordor[7]. Niềm tin mách bảo chúng ta rằng Thiên Chúa đã đến tìm và đã tìm thấy chúng ta. Thiên Chúa đã hiện diện trong đời của mọi người, ngay cả khi họ chẳng nhận ra. Như vậy, một cách nào đó, mục đích của niềm hy vọng, của số phận tối hậu chúng ta, đã hiện diện rồi. Các nhà giảng thuyết không đưa người ta về với Chúa ; chúng ta gọi tên Chúa, Người vẫn luôn hiện hữu. Là kitô hữu, chúng ta tin rằng sự hiện hữu này của Chúa lấy hình thức của tự do, của niềm vui và của tình yêu ; đó là những hoa trái đầu tiên của Vương quốc và những chương II-III tìm kiếm xem kitô giáo thúc đẩy chúng ta đến những hình thức bất bình thường và bất ngờ của tự do và hạnh phúc. Có thể một cách rất tò mò, tôi không giành chương nào để bàn về tình yêu, bởi vì nó chính là toàn thể sự sống kitô giáo và vì thế, tất cả những gì tôi viết, theo nghĩa nào đó, đã là bản bình giảng cho những gì có nghĩa là yêu mến.

Rõ ràng rằng, hiện nay, để đạt đến tự do và hạnh phúc đích thực đòi hỏi nơi chúng ta một sự chuyển đổi sâu sắc. Tự do không chỉ là chọn lựa giữa nhiều khả năng và hạnh phúc không chỉ là một cảm xúc dễ chịu. Đó là cách thức chia sẻ sự sống của Chúa và điều này khẩn nài chúng ta một cách chết và phục sinh. Thật đáng run sợ ! Chúng ta phải can đảm để cho Chúa, Người luôn ở bên để giải thoát chúng ta và đem lại cho ta niềm vui trọn vẹn ; đó là chủ đề của chương IV. Lòng can đảm là nhân đức cần thiết nhất, khẩn cấp nhất cho chúng ta ngày hôm nay, trong Hội Thánh. Tôi mong rằng người ta cũng sẽ hiểu được rằng tự do và hạnh phúc không chỉ là những thuật ngữ chỉ một tiến trình tâm lý : là con người không thể tự nhận thức mà không có thân xác, ta không thể nói đơn giản rằng chúng ta có thân xác, nhưng chúng ta mang tính xác thịt hữu hình. Tính xác thịt của chúng ta là căn bản cho hầu như toàn bộ lời giảng dạy kitô giáo : không thể hiểu được niềm hy vọng, niềm hạnh phúc và sự tự do của ta nếu không có vài ý niệm giải trình cho sự việc con người mang tính xác thịt. Đó sẽ là chủ đề của chương V. Trong chương VI, chúng ta tự hỏi rằng một người kitô hữu phải hiểu bằng cách đặc biệt nào đó, sự thật nghĩa là gì. Không phải do kitô hữu luôn đúng đắn hơn người và có thể có khả năng chiếm giải nhất về đàng luân lý ; chẳng có chi đảm bảo cho ta về điều đó. Nhưng hơn thế nữa, chúng ta có cách thức khá bất thường để hiểu những gì là thật.

Thánh Âu Tinh nói đến nhân loại như một « cộng đoàn của sự thật » và điều này hoàn toàn tự nhiên dẫn chúng ta đến câu hỏi sau đây là câu hỏi về sự thống nhất toàn thể loài người : hướng về Chúa, đó không chỉ tin rằng Thiên Chúa là cùng đích của cuộc hành trình riêng của tôi xuyên qua sự sống và cái chết ; chúng ta tin rằng chính trong Thiên Chúa mà toàn thể nhân loại sẽ tìm thấy sự thống nhất và ý nghĩa của mình. Bên ngoài tập hợp chung toàn nhân loại, tôi không hoàn toàn, tôi chưa hoàn tất. Các chương VII và VIII xem xét những gì đối với chúng ta tin vào sự thống nhất tối hậu của loài người và bằng cách nào điều này trở nên gần gũi với người kitô hữu. Nhưng sự chia rẽ của người kitô hữu và trong các giáo hội làm suy yếu trầm trọng khả năng làm chứng tá của chúng ta cho sự hiệp nhất toàn thể nhân loại, vì thế, trong chương IX và X, tôi tìm kiếm xem làm sao cứu vãn sự chia rẽ và bất đồng nội bộ. Cuối cùng, chúng ta suy nghĩ đâu là ý nghĩa của sự nghỉ ngơi, ngày Sabát, và như thế, chúng ta cùng hướng đến sự an nghỉ sau cùng mà nhân loại được kêu gọi đến nhận biết với Chúa. Tác phẩm này, do đó, phải đưa chúng ta từ niềm hy vọng đến dấu chỉ có sức thuyết phục nhất của niềm hy vọng của chúng ta mà ngay bây giờ nó đang nghỉ, đang chơi, homo ludens. Chúng ta chỉ cho thấy niềm hy vọng rằng cuộc đời đưa đến đâu đó, thì cũng sẽ đưa ta về Thiên quốc, nhưng chúng ta chiến đấu không ngừng để « đến được ».

Tôi xin cám ơn anh em Blackfriars, ở Oxford, những người qua giảng thuyết và tình bằng hữu đã dạy tôi biết hầu như tất cả những gì người ta có thể tìm thấy trong cuốn sách này. Tôi xin cảm ơn đặc biệt anh Vivian Boland o.p. vì sự giúp đỡ và khích lệ. Tôi cũng xin gởi lời cảm ơn chân thành đến anh Nicolas-Jean Sed o.p. và anh Eric de Clermont-Tonnerre o.p., những người đã coi sóc ấn bản tiếng Pháp này cách rất huynh đệ và chuyên nghiệp. Tôi ý thức được rằng khi tôi xem xét đánh giá đâu là người kitô hữu, thì tôi đã làm điều đó như một thành viên của một truyền thống đặc thù, như một tu sỹ Đa Minh và một người Công Giáo, nhưng tôi hy vọng rằng suy tư của tôi cũng sẽ làm nên ý nghĩa nào đó cho các kitô hữu thuộc các truyền thống khác, mà tôi còn mắc nợ với nó.

(ND) Bản dịch sang tiếng việt từ bản tiếng pháp Pourquoi donc être chrétien ? Éditions du Cerf, Paris, 2005, có đối chiếu lại và chỉnh sửa với bản chính tiếng anh What is the point of being a christian ?

[7] Xem J.R.R. TOLKIEN, Le Seigneur des anneaux (The Lord of the Rings), trd. fse. Fr. Ledoux, Paris, Christian Bourgois, 2003.

Timothy RADCLIFFE, OP.
Hoàng Dũng, OP. chuyển ngữ